31 C
Hue
18/04/24
Trang chủGiáo dục BĐKH qua môn Địa lí THPTPhương pháp giáo dụcSử dụng phương pháp đóng vai/ đóng kịch trong giáo dục biến...

Sử dụng phương pháp đóng vai/ đóng kịch trong giáo dục biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường

Theo Bernd Meier, Nguyễn Văn Cường (2014)[1], đóng vai/ đóng kịch là một PPDH mà người học được thể hiện những tình huống hành động được mô phỏng (các vai) về một chủ đề gắn với thực tiễn, thường mang tính chất trò chơi, trong đó các tình huống cuộc sống, các vấn đề hoặc xung đột được thể hiện.
Sử dụng phương pháp đóng vai/ đóng kịch trong giáo dục biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường
(Hình minh họa) 
Phương pháp đóng vai là một trong những phương pháp mang tính chất tương tác cao, giữa thầy và trò, giữa học sinh với học sinh, giữa người học với môi trường xung quanh và thực tế xã hội. Phương pháp này thường được áp dụng rộng rãi trong nhiều ngành bộ môn khoa học như y học, xã hội học, tâm lý học… Phương pháp này khuyến khích học sinh nhập vai vào các nhân vật giả định trong thực tế cuộc sống và đặt mình vào các vị trí khác nhau trong xã hội để giải quyết các tình huống phát sinh cụ thể. Vì vậy, phương pháp này giúp người học tìm hiểu quá trình liên quan đến việc ra quyết định và tiếp cận nhiều quan điểm khác nhau. Mặt khác khi tham gia vào quá trình đóng vai, học sinh thể hiện được cách diễn xuất của mình, xuất phát từ tình huống thực tế kết hợp với những hiểu biết của bản thân, tư duy, sự tưởng tượng, sáng tạo và cả những cảm xúc, tình cảm của bản thân. Vận dụng vào dạy học Địa lí và giáo dục biến đổi khí hậu, phương pháp này tạo cho HS cảm giác đối mặt thực tế với các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và các thiên tai có thể xảy ra, là cơ sở để hình thành thái độ và hành vi, hành động phòng chống và ứng phó với BĐKH. Thế mạnh của phương pháp đóng vai là HS có cơ hội tham gia những tình huống giả định để vận dụng những kiến thức đã học và thực tiễn cuộc sống và rèn luyện tư duy cũng như khả năng sáng tạo. Phương pháp này có thể tạo không khí giờ học sôi nổi, HS hứng thú tham gia và thể hiện mình, có thể đạt hiệu quả cao trong giáo dục biến đổi khí hậu qua môn Địa lí.
Tùy vào thời gian và nội dung giáo dục mà giáo viên dự định sử dụng phương pháp đóng vai để thiết kế tình huống và quy trình thực hiện cụ thể. Đối với những bài Địa lí có thể xây dựng những tình huống ngắn về giáo dục biến đổi khí hậu cho học sinh đóng vai để đưa ra hướng giải quyết vấn đề thì quy trình chỉ cần 4 bước:
Bước 1: Giáo viên nêu tình huống giả định và yêu cầu học sinh nhập vai
Bước 2: Học sinh nhập vai đưa ra cách giải quyết
Bước 3: Các HS khác sẽ thảo luận bổ sung hoặc đưa ra giải pháp khác
Bước 4: Giáo viên nhận xét, đánh giá và đưa ra kết luận.
Với cách này các học sinh chủ yếu đặt mình vào vị trí nhân vật và đưa ra hướng giải quyết bằng cách hỏi và trả lời.
Ví dụ 1: Khi dạy Địa lý 12, bài 15 “Bảo vệ môi trường và phòng chống thiên tai”, mục 2. Một số thiên tai chủ yếu và biện pháp phòng chống.
Bước 1: GV nêu một tình huống giả định có một cơn bão lớn sắp đổ bộ vào vùng đất liền địa phương. Trong trường hợp bão đổ vào địa phương, thì mọi người sẽ hành động như thế nào để ứng phó với cơn bão? Yêu cầu mỗi nhóm HS (có thể theo dãy bàn học) đảm nhận những nhân vật khác nhau: trưởng ban phòng chống lụt bão địa phương, bộ đội, ngư dân, học sinh
Bước 2: các nhóm học sinh sẽ thảo luận về biện pháp mà các nhân vật nhóm mình đảm nhận sẽ hành động ứng phó với cơn bão
– Bước 3: Để đại diện các nhóm học sinh trình bày. Các nhóm khác có thể bổ sung hoặc đưa thêm các ý kiến khác
Bước 4: GV và HS cùng trao đổi về các phương án được đưa ra và rút ra kết luận.
Điều quan trọng là cần để học sinh nhận thức được đối với lứa tuồi các em sẽ hành động như thế nào khi đối diện với những cơn bão:
– Trước mùa mưa bão: Học sinh tham gia trồng cây xung quanh nhà và trường học để tạo hàng rào bảo vệ, chống gió bão và xói lở đất. Giúp cha mẹ chằng, chống nhà cửa để chống chịu được gió to. Cất sách vở và các giấy tờ quan trọng vào túi nilon kín và cất ở những nơi cao ráo, an toàn. Luôn theo dõi các thông tin về bão để báo cho gia đình và có những hành động kịp thời.
– Khi bão về: Học sinh ở lại trong các khu nhà kiên cố, không được đi ra ngoài. Nếu HS đang ở ngoài, phải nhanh chóng tìm nơi trú ẩn an toàn, tránh xa các gốc cây, cột điện vì chúng có thể bị đổ xuống. Phụ giúp cha mẹ những việc cần, trông nom các em nhò hơn. Lắng nghe các thông báo trên các phương tiện truyền thông và phát thanh.
– Khi bão tan: Giúp đỡ cha mẹ và hàng xóm, trường học dọn dẹp vệ sinh, sửa chữa khắc phục các hư hỏng trong nhà. Cùng bố mẹ kiểm tra các thiết bị điện trong nhà, cận thận với các thiết bị nghi rò rỉ điện và những nơi có các cột điện gãy đổ. Thực hiện ăn chin, uống sôi, ngủ màn để tránh dịch bệnh. Tiếp tục theo dõi các thông tin và hướng dẫn trên các phương tiện phát thanh và truyền thông
Đối với những bài học Địa lí có nội dung giáo dục biến đổi khí hậu chiếm thời lượng và nội dung nhiều, có thời gian thực hiện, giáo viên có thể vận dụng đầy đủ quy trình 6 bước  của phương pháp đóng vai, có thể tạo nên một đoạn kịch ngắn hấp dẫn hơn.
Bước 1: Tạo tình huống và chia HS/nhóm HS nhận vai
Bước 2: HS chuẩn bị kịch bản và vai diễn dưới sự hướng dẫn GV
Bước 3: Học sinh thực hiện vai diễn
Bước 4: Giáo viên và các HS khác đánh giá vai diễn
Bước 5: HS thảo luận và đưa ra cách giải quyết vấn đề
Bước 6: GV và HS thảo luận trao đổi các phương án và rút ra kết luận diễn
Thông thường không gian sử dụng chủ yếu khi dùng phương pháp này là lớp học, giảng đường hoặc sân trường tùy thuộc vào điều kiện tổ chức của giáo viên.
Ví dụ 2: Trong chương trình lớp 10 có Bài 58 Thực hành. Tìm hiểu về một số vấn đề của địa phương
Việt Nam có 2/3 diện tích là đồi núi nên hầu hết các tỉnh thành đều có rừng với diện tích, quy mô, đặc điểm khác nhau. Hiện nay diện tích rừng bị tàn quá ngày càng nhiều đã ảnh hưởng rất lớn đến hệ sinh thái và môi trường cũng như khí hậu Việt Nam.
Bước 1: Tình huống đưa ra: Quê em có một vùng rừng núi bạt ngàn, khí hậu trong lành. Tuy nhiên những năm gần đây diện tích rừng bị phá hủy rất nhiều. Đặc biệt tại địa phương mới xuất hiện một nhóm lâm tặc, ngày đêm chặt phá rừng khiến diện tích rừng suy giảm nghiêm trọng, việc vận chuyển gỗ cũng đã phá hủy nhiều con đường tại địa phương. Một số cán bộ kiểm lâm đã bị lâm tặc mua chuộc nên làm ngơ, một số không đủ sức chống lại nên mặc kệ. Hãy dựng một tình huống mô tả vấn đề trên và đưa ra các biện pháp giải quyết.
Đối với tình huống này giáo viên có thể chia lớp thành 2 nhóm lớn. Mỗi nhóm tự nghĩ ra kịch bản và các nhân vật khác nhau. Thời gian cho mỗi vở kịch là 7-10 phút.
– Bước 2: Các nhóm chuẩn bị kịch bản và phân vai diễn trong khoảng 5 phút.
– Bước 3: 2 nhóm lần lượt biểu diễn đóng vai các nhân vật
– Bước 4: Giáo viên và các học sinh nhận xét, đánh giá vai diễn của các nhóm về mặt kịch bản, diễn viên, hướng giải quyết vấn đề
– Bước 5: Giáo viên và học sinh cùng nhau thảo luận cách sẽ thực hiện để đưa ra giải pháp giải quyết vấn đề tốt nhất
– Bước 6:  Giáo viên kết luận về những giải pháp hợp lý nhất có thể sử dụng trong tình huống đó. Và bổ sung thêm cho học sinh những thông tin về các vấn đề môi trường hiện nay tại địa phương.
[1] Bernd Meier, Nguyễn Văn Cường (2014), Lí luận dạy học hiện đại – Cơ sở đổi mới mục tiêu, nội dung và PPDH, NXB Đại học Sư phạm.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Hình ảnh

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN MỚI NHẤT