31 C
Hue
20/04/24
Trang chủGiáo dục BĐKH qua môn Địa lí THPTPhương pháp giáo dụcSử dụng Website https://gdbiendoikhihau.edu.vn/ trong giáo dục biến đổi khí hậu

Sử dụng Website https://gdbiendoikhihau.edu.vn/ trong giáo dục biến đổi khí hậu

Hiệu quả của giáo dục biến đổi khí hậu qua việc sử dụng phương tiện, thiết bị dạy học (nói chung) và Website gdbiendoikhihau.edu.vn (nói riêng) trong dạy học phụ thuộc vào nhiều yếu tố như trình độ giáo viên, cơ sở vật chất kĩ thuật, mục tiêu và nội dung giáo dục, mức độ tiếp nhận và khả năng tự học của học sinh…Để phát huy được vai trò và hiệu quả của Website trong giáo dục biến đổi khí hậu cần tuân thủ theo nguyên tắc sử dụng: “đúng lúc, đúng chỗ, đúng mục đích, đúng cường độ và mức độ”. Nếu đảm bảo nguyên tắc trên sẽ phát huy được vai trò của Website trong dạy học, bởi Website không chỉ cung cấp kiến thức, mở rộng hiểu biết về biến đổi khí hậu mà còn rèn luyện kĩ năng thực hành, giáo dục kỹ năng sống, góp phần hình thành và bồi đắp những phẩm chất và năng lực cho HS.
Sử dụng Website https://gdbiendoikhihau.edu.vn/ trong giáo dục biến đổi khí hậu
(Hình minh họa)
Mỗi loại phương tiện và thiết bị dạy học sẽ có chức năng và vai trò khác nhau trong việc hỗ trợ quá trình dạy học, Do đó để sử dụng hợp lý và hiệu quả đối với mỗi phương tiện thiết bị dạy học cần có phương pháp sử dụng khác nhau. Để góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng Website trong giáo dục biến đổi khí hậu, tác giả luận án đưa ra một số định hướng sử dụng Website đối với giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, những định hướng đưa ra chỉ mang tính chất tham khảo, mỗi giáo viên tùy theo năng lực, mục đích và nội dung bài học, điều kiện cụ thể để sử dụng Website một cách linh hoạt và mềm dẻo, phù hợp với thực tiễn dạy học.

I. Tìm hiểu về Website giáo dục biến đổi khí hậu

Khi muốn sử dụng bất kì một phương tiện, thiết bị nào trong quá trình dạy học, giáo viên cần phải hiểu rõ các đặc điểm về chức năng, vai trò ý nghĩa và cách sử dụng của phương tiện thiết bị dạy học đó. Đối với Webiste giáo dục biến đổi khí hậu cũng vậy, để có thể sử dụng Website hỗ trợ cho quá trình dạy học, giáo viên cần hiểu rõ những đặc điểm sau:
  • Mục đích và nguồn gốc của Webiste: do cá nhân hoặc tổ chức nào đó lập ra Webiste, lập ra với mục đích gì
Website giáo dục khí hậu do chính tác giả luận án (Đang là giảng viên khoa Địa lí trường Đại học sư phạm Huế, Việt Nam) và một số tác giả là giáo viên Địa lí đang giảng dạy ở một số trường THPT Việt Nam lập ra với mục đích hỗ trợ nâng cao hiệu quả giáo dục ứng phó biến đổi khí hậu cho giáo viên và học sinh THPT.
  • Nội dung của Website là gì? Được cấu trúc như thế nào?
Nội dung chủ yếu của Website là cung cấp nguồn thông tin, kiến thức, tài liệu dưới nhiều định dạng về vấn đề biến đổi khí hậu đang diễn ra trên Thế giới và Việt Nam, các văn bản hướng dẫn về ứng phó với biến đổi khí hậu và giáo dục biến đổi khí hậu; các phương pháp và hình thức giáo dục ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung và qua môn Địa lí THPT nói riêng. Cấu trúc nội dung Website được thể hiện rõ trên giao diện Website với 5 thư mục chủ yếu là Hệ thống văn bản, Tin tức sự kiện, Giáo dục biến đổi khí hậu qua môn Địa lí THPT; các hoạt động ngoại khóa giáo dục biến đổi khí hậu và Kho tài nguyên.
  • Nguồn thông tin trên Website có đảm bảo tính chính xác, khoa học, độ tin cậy hay không?
Đây là một yếu tố quan trọng mà người giáo viên cần phải xác thực, bởi nếu nguồn thông tin kiến thức sai lệch hoặc từ những nguồn thông tin không đáng tin cậy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng nguồn thông tin kiến thức, gây sai lệch nhận thức cho giáo viên và học sinh.
Website giáo dục biến đổi khí hậu được thành lập dựa trên mục đích chính là phục vụ dạy học, nguồn thông tin được lấy từ nhiều nguồn thông tin uy tín của nhiều tổ chức và cá nhân trong nước và quốc tế, nhiều tạp chí uy tín trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và giáo dục. Dưới mỗi thông tin hoặc bài viết đều có đăng tác giả và nguồn gốc rõ ràng của bài viết để người xem có thể xác thực.
  • Các thao tác trên Website
Website được thiết kế với giao diện thân thiện và dễ sử dụng. Người xem chỉ cần lựa chọn nội dung và click chuột vào mỗi nội dung sẽ xem được đầy đủ thông tin về bài viết. Ngoài đọc trực tiếp từ Website, người xem còn có thể tải các tài liệu trên nhiều định dạng về máy tính hoặc điện thoại để sử dụng. Để có thể tận dụng hết được những tiện ích trên Website, chúng tôi khuyên người sử dụng, đặc biệt là giáo viên nên tạo một tài khoản thành viên trên Website để thuận lợi hơn trong quá trình sử dụng và tương tác với Ban quản trị Website.
Để đăng kí thành viên Webite yêu cầu người sử dụng đặt tên và cung cấp email, sau đó mật khẩu sẽ được gửi tới email của người dùng. Người dùng có thể sử dụng mật khẩu đó cho lần đầu đăng nhập và có thể thay đổi mật khẩu hoặc giữ nguyên. Thao tác đăng kí thành viên nhanh chóng và thuận tiện nhằm tạo cơ hội cho người sử dụng được hưởng đầy đủ các tiện ích của Website và giúp Ban quản trị quản lý Website hiệu quả hơn.
Hình 5.20. Giao diện đăng kí thành viên trên Website
Sau khi tìm hiểu kĩ và xác định được Website giáo dục biến đổi khí hậu là một Website dạy học bổ ích, có khả năng hỗ trợ tốt giáo dục biến đổi khí hậu, giáo viên bắt đầu có những định hướng sử dụng để phát huy vai trò của Website trong quá trình dạy học.

II. Giáo viên sử dụng Website như nguồn tài liệu tham khảo để nâng cao sự hiểu biết của bản thân về các vấn đề biến đổi khí hậu và giáo dục biến đổi khí hậu

Giáo viên được dùng chỉ nghề nghiệp cao quý với mục đích cơ bản nhất là dạy cho học sinh những kiến thức – kĩ năng bổ ích để có thể vận dụng trong cuộc sống và lao động sản xuất. Giáo viên cần phải là người có hiểu biết sâu rộng, ít nhất là trong lĩnh vực giảng dạy của mình, và có những phương pháp sư phạm hiệu quả để có thể để truyền tải được những kiến thức và kĩ năng đó đến với người học. Do đó giáo viên phải không ngừng học hỏi để nâng cao trình độ hiểu biết và năng lực giảng dạy của bản thân thì mới có thể đáp ứng được xu thế của giáo dục hiện đại. Các giáo viên Địa lí THPT Việt Nam hiện nay, đa phần được đào tạo chủ yếu về chuyên ngành Địa lí ở các trường Đại học sư phạm. Trong chương trình giáo dục sư phạm Địa lí của các trường Đại học sư phạm trước đây có rất ít những môn học hoặc chuyên đề giảng dạy chuyên sâu về biến đổi khí hậu và giáo dục biến đổi khí hậu. Do đó, để đáp ứng yêu cầu về đổi mới giáo dục và mục tiêu giáo dục ứng phó với biến đổi khí hậu trong trường phổ thông, đòi hỏi các giáo viên Địa lí phải tự tìm tòi học hỏi thêm rất nhiều kiến thức chuyên môn về biến đổi khí hậu và phương pháp giảng dạy tích hợp ứng phó với biến đổi khí hậu trong môn Địa lí.
Website giáo dục biến đổi khí hậu có thể góp phần hỗ trợ giáo viên Địa lí nói riêng và giáo viên phổ thông nói chung một nguồn tư liệu kiến thức phong phú, đa dạng về biến đổi khí hậu, giáo dục biến đổi khí hậu và giáo dục biến đổi khí hậu qua môn Địa lí THPT. Nguồn tư liệu này bao gồm các tin tức sự kiện về vấn đề biến đổi khí hậu ở trong và ngoài nước, các kiến thức chuyên môn về vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu và giáo dục biến đổi khí hậu từ các sách tham khảo, giáo trình, file tài liệu…được cập nhật thường xuyên. Từ những nguồn tư liệu, kiến thức này giáo viên có thể tham khảo để làm dày thêm những kiến thức và hiểu biết của bản thân nhằm đảm bảo kiến thức chuyên môn cho quá trình dạy học.
Để sử dụng những nguồn tài liệu trên Website có hiệu quả trong việc bổ sung kiến thức chuyên môn, tác giả luận án đề xuất giáo viên cần có sự định định hình kiến thức tổng quát một cách logic và tìm kiếm trên Website để bổ sung những kiến thức chuyên sâu còn thiếu trong mỗi phần kiến thức.
Ví dụ: Để dạy học sinh hiểu rõ về vấn đề biến đổi khí hậu, trước tiên người giáo viên cần hiểu rõ những thông tin liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu bao gồm:
  • Khái niệm biến đổi khí hậu.
Hiện nay có bao nhiêu khái niệm về biến đổi khí hậu? Do tổ chức cá nhân nào đưa ra? Khái niệm nào được sử dụng thường xuyên và được quốc tế công nhận.
  • Đặc điểm của biến đổi khí hậu, mỗi đặc điểm được biểu hiện bằng những thông số cụ thể nào
  • Thực trạng biến đổi khí hậu trên Thế giới, các số liệu thống kê
  • Thực trạng biến đổi khí hậu ở Việt Nam, các số liệu thống kê
  • Thực trạng biến đổi khí hậu ở địa phương, các số liệu thống kê
  • Những guyên nhân gây ra biến đổi khí hậu, nguyên nhân chủ yếu là gì?
  • Các biện pháp để giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu ở cấp độ quốc tế, quốc gia, địa phương, cộng đồng, cá nhân…
Các nội dung thông tin trên không chỉ chứa đựng trong một tài liệu, một bài viết trên Website mà xuất hiện trong nhiều tài liệu, nhiều bài viết. Do đó giáo viên cần có sự định hình về những kiến thức chuyên môn cần được nâng cao và tìm kiếm trong các bài viết, thư mục, phân tích, tổng hợp để tìm ra cho bản thân những kiến thức hữu ích.

III. Sử dụng Website giáo dục biến đổi khí hậu để hỗ trợ cho quá trình dạy học

Website có thể tham gia vào hầu hết các khâu trong tiến trình của một bài học Địa lí theo định hướng giáo dục biến đổi khí hậu, từ khâu thiết kế giáo án, đến việc dạy bài học trực tiếp trên lớp, trong việc kiểm tra đánh giá, tổ chức trò chơi và giao nhiệm vụ học tập cho học sinh. Tùy theo mục đích và nội dung giáo dục, giáo viên có thể vận dụng linh hoạt việc sử dụng Website phù hợp với nội dung và thời gian trong quá trình dạy học

1. Sử dụng Webiste hỗ trợ thiết kế giáo án

Trong thiết kế giáo án giảng dạy, đặc biệt là giáo án điện tử thì Website cung cấp cho giáo viên một nguồn tư liệu đa phương tiện khổng lồ ở dạng kênh hình và kênh chữ, với rất nhiều những hình ảnh, video clip, mô hình, sơ đồ, bản đồ trực quan có liên quan đến nội dung giáo dục biến đổi khí hậu trong bài học Địa lí. Môn học Địa lí và nội dung kiến thức về biến đổi khí hậu có rất nhiều những khái niệm trừu tượng, học sinh không có điều kiện quan sát ở ngoài thực tế cuộc sống nên khó hiểu rõ được bản chất của vấn đề. Với những hình ảnh trực quan trên Website sẽ giúp kiến thức trở nên trực quan, sinh động và dễ hiểu hơn. Ngoài ra, Website còn cung cấp cho giáo viên một nguồn tài liệu, tư liệu phong phú và phù hợp để bổ sung thêm cho những nội dung kiến thức trong chương trình và sách giáo khoa Địa lí. Các thông tin và kiến thức trên Website thường xuyên được cập nhật từ những nguồn thông tin có uy tín sẽ là tài liệu tham khảo quan trọng cho giáo viên, giúp giáo viên đỡ mất thời gian và công sức trong việc tìm kiếm tài liệu để thiết kế giáo án và giảng dạy.
Ngoài ra trên Webiste còn chứa đựng các giáo án tham khảo, hướng dẫn thiết kế và thực hiện nội dung và phương pháp giáo dục biến đổi khí hậu qua các bài học Địa lí, từ đó cung cấp thêm cho giáo viên những ý tưởng, gợi ý trong quá trình thiết kế giáo án.
Để sử dụng Website giáo dục biến đổi khí hậu có hiệu quả trong quá trình thiết kế giáo án, giáo viên cần lưu ý:
+ Dựa trên mục tiêu về chuẩn kiến thức – kĩ năng – thái độ được quy định cho mỗi bài học và mục tiêu giáo dục biến đổi khí hậu để lựa chọn nội dung giáo dục phù hợp.
+ Từ những nội dung giáo dục được lựa chọn, giáo viên cần xác đinh cụ thể những phương pháp giáo dục, phương tiện thiết bị giáo dục, hình thức tổ chức giáo dục cần sử dụng để thiết kế các hoạt động dạy học.
+ Mỗi hoạt động dạy học được thiết kế, cần nêu rõ mục đích của hoạt động, phương pháp dạy học, nội dung kiến thức trọng tâm, kiến thức bổ sung, thiết bị dạy học sử dụng, thời gian.
+ Hoạt động nào trong giáo án sử dụng trực tiếp Website thì cần ghi rõ và chú ý, đồng thời quá trình lên lớp giáo viên cũng cần chuẩn bị đầy đủ phương tiện dạy học để sử dụng trực tiếp Website như máy chiếu, máy tính kết nối Internet. Kiến thức hoặc hoạt động nào sử dụng những thông tin, tư liệu từ Website ở dạng tham khảo thì cần trích dẫn nguồn của trang gốc trên Website để tạo căn cứ khoa học cho nguồn thông tin.

2. Sử dụng Website với vai trò là một phương tiện, thiết bị tham gia trực tiếp vào quá trình dạy học.

  • Sử dụng Website mở đầu bài học
Đối với mỗi bài học, ấn tượng và cảm xúc ban đầu rất quan trọng do đó mở đầu mỗi bài học, giáo viên có thể sử dụng Website để tạo sự thu hút, chú ý của học sinh và hướng cảm xúc của học sinh đến nội dung giáo dục mà giáo viên muốn chuyển tải.
Ví dụ: Trước khi mở đầu bài 3 Một số vấn đề mang tính toàn cầu trong chương trình Địa lí lớp 11, giáo viên cho HS xem video bài hát Earth Song của Michael Jackson trên thư mục Bài hát của Webiste.
Link: https://gdbiendoikhihau.edu.vn/bai-hat/earth-song-michael-jackson/

Giáo viên yêu cầu học sinh nghe bài hát và những hình ảnh thể hiện trên Video và trả lời câu hỏi:
Câu hỏi 1: Cho biết cảm nhận của HS về bài hát này
Câu hỏi 2: Hãy cho biết những vấn đề toàn cầu cần phải quan tâm hiện nay
Từ giai điệu, lời bài hát và hình ảnh, học sinh sẽ cảm nhận được tiếng kêu cứu của Trái đất trước những hành động tàn phá của con người như phá rừng, chiến tranh, giết các loài động vật quý hiếm, gây ô nhiễm môi trường… Hậu quả là sự giận dữ của thiên nhiên sẽ quay trở lại tác động đến con người gây ra sự hủy diệt, đói nghèo, xung đột…
  • Sử dụng Webiste để minh họa kiến thức và khai thác kiến thức
Với vai trò là một phương tiện dạy học, Website có thể minh họa, giải thích và bổ sung những kiến thức về biến đổi khí hậu cho bài giảng của giáo viên trên lớp. Đồng thời giáo viên có thể sử dụng Website để giúp học sinh khai thác kiến thức từ những thông tin đã cho
Ví dụ: Khi Địa lí lớp 10, Bài 19 Thủy quyển và Tuần hoàn của nước trên Trái đất, Mục II Vòng tuần hoàn của nước trên Trái đất. Giáo viên cho HS xem một video clip về vòng tuần hoàn nước do Cơ quan Hàng không Vũ trụ Hoa Kỳ NASA thiết kế và được dịch sang tiếng Việt trên mục Chủ đề của Website giáo dục biến đổi khí hậu.
Link: https://gdbiendoikhihau.edu.vn/chuyen-de/vong-tuan-hoan-nuoc-tren-trai-dat-va-bien-doi-khi-hau/

Video về vòng tuần hoàn nước trên Trái đất
HS xem video và suy nghĩ trả lời 2 câu hỏi:
Câu hỏi 1: Trình bày vòng tuần hoàn nước trên Trái đất
Câu hỏi 2: Biến đổi khí hậu tác động như thế nào đến vòng tuần hoàn nước?
HS suy nghĩ và trả lời, GV nhận xét và bổ sung những thông tin kiến thức dưới video trên Website.
  • Kết hợp Website với các phương pháp dạy học và hình thức tổ chức dạy học khác
Mỗi phương pháp, phương tiện hay phương thức giáo dục đều có vai trò và chức năng riêng. Không có phương tiện dạy học nào là toàn năng, do đó để phát huy tối đa hiệu quả giáo dục, giáo viên cần có sự kết hợp hợp lý giữa phương pháp, phương tiện và phương thức giáo dục trong quá trình dạy học tăng hiệu quả giáo dục và tạo sự hứng thú cho học sinh khi tham gia.
Ví dụ: Khi học bài 57 Môi trường và phát triển bền vững trong chương trình Địa lí lớp 10, Mục I, vấn đề môi trường và phát triển ở các nước phát triển. Giáo viên mở trang Web giáo dục biến đổi khí hậu, mở vào tin tức và sự kiện, yêu cầu 1 học sinh đọc bài viết “Dang dở COP 25”. Trong bài viết có đoạn nhấn mạnh:
Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) diễn ra tại thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) đã kết thúc sau gần hai tuần họp với một tuyên bố chung hết sức khiêm tốn.
Theo đó, hội nghị chỉ thừa nhận “tính cấp thiết” của việc gia tăng cam kết cắt giảm khí thải carbon nhằm thu hẹp khoảng cách giữa mức thải hiện tại với các mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu để kiềm chế mức tăng nhiệt độ của Trái Đất dưới 2 độ C.
Điểm bất đồng mấu chốt là cách thức tài trợ cho cuộc chiến chống BĐKH. Bên cạnh đó, các bên chưa ghi nhận tiến triển đáng kể trong vấn đề bồi thường và hỗ trợ các quốc gia phải hứng chịu tác động tồi tệ nhất của các hình thái thời tiết cực đoan liên quan đến BĐKH. BBC dẫn tuyên bố của Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra ngay sau khi Hội nghị COP 25 kết thúc bày tỏ sự thất vọng, coi đây là cơ hội bị bỏ lỡ trong cuộc chiến chống lại tình trạng nóng lên của Trái Đất. “Tôi rất thất vọng về kết quả của COP 25. Cộng đồng quốc tế đã mất đi một cơ hội quan trọng để thể hiện tham vọng lớn hơn về giảm nhẹ tác động, tăng cường thích nghi và tài trợ cho cuộc chiến chống BĐKH”, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh.
AFP dẫn lời bà Laurence Tubiana, Giám đốc điều hành của Quỹ Khí hậu châu Âu, nhà đàm phán hàng đầu của Pháp và cũng là “kiến trúc sư trưởng” của Hiệp định Paris về BĐKH năm 2015, nhận định các nước lớn đã không đáp ứng được kỳ vọng trong Hội nghị COP 25. Mỹ bị coi là “bên phá đám” khi tham gia hội nghị mà “không thực sự thiện chí”, nhất là khi Washington đã chính thức kích hoạt tiến trình rút khỏi Hiệp định Paris về BĐKH. Trung Quốc và Ấn Độ, hai nước xếp thứ nhất và thứ tư về lượng khí thải, tuyên bố không thấy cần phải cắt giảm hơn nữa so với mục tiêu đã đề ra. Thay vào đó, hai nước nhấn mạnh “trách nhiệm lịch sử” của những nước phát triển trong việc cung cấp tài chính cho các quốc gia nghèo ứng phó với BĐKH. Trong khi đó, Mỹ, Australia và Saudi Arabia cũng khẳng định không điều chỉnh cam kết hạn chế lượng khí thải. Những tranh cãi “không hồi kết” này đã kéo dài hơn 3 năm qua và vẫn bế tắc tại Madrid, cho thấy tham vọng để các nước tiến tới cam kết cắt giảm khí thải sâu hơn nữa thực sự trở nên xa vời.
Hội nghị COP 25 diễn ra trong bối cảnh báo cáo mới nhất của Liên hợp quốc chỉ ra cam kết của các quốc gia về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính mới chỉ đạt 15% nỗ lực cần thiết. Trong khi đó, theo Daily Mail, kết quả nghiên cứu mới nhất của Dự án Carbon toàn cầu, gồm một nhóm các nhà khoa học quốc tế chuyên theo dõi lượng khí phát thải trên Trái Đất, cho thấy trong năm 2019, lượng khí thải CO2 trong khí quyển dự kiến tăng 0,6% so với mức tăng 2,1% của năm 2018. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể, lượng khí thải CO2 trong khí quyển của năm 2019 sẽ là mức cao nhất trong ít nhất 800.000 năm qua. Kết quả nghiên cứu nhấn mạnh các chính sách chống BĐKH hiện nay vẫn không đủ để đẩy lùi chiều hướng gia tăng lượng khí CO2 phát thải toàn cầu và những hành động khẩn cấp chống BĐKH vẫn chưa tỏ rõ hiệu quả. Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo loài người đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu và đang tiến gần tới “điểm không thể cứu vãn” trong cuộc khủng hoảng này.
Link bài viết: https://gdbiendoikhihau.edu.vn/tin-tuc-su-kien/dang-do-cop-25/
Giáo viên yêu cầu HS thảo luận nhóm theo bàn học (mỗi bàn học trung bình 4-5 học sinh) để trả lời các câu hỏi sau:
Câu hỏi 1: Tình trạng biến đổi khí hậu đáng báo động hiện nay được thể hiện ở nội dung và số liệu nào trong bài báo?
Câu hỏi 2: Tại sao tình trạng biến đổi khí hậu và môi trường sống đã trở nên nghiêm trọng như vậy mà các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Australia và Saudi Arabia lại không muốn điều chỉnh cam kết cắt giảm thêm lượng khí nhà kính?
  • Sử dụng Website như một công cụ kiểm tra đánh giá HS
Trên Website thiết kế nhiều bài trắc nghiệm với các chủ đề khác nhau liên quan đến giáo dục biến đổi khí hậu, giáo viên có thể sử dụng các bài kiểm tra đó trong việc đánh giá mức độ nhận thức của học sinh đối với vấn đề biến đổi khí hậu. Trên Website, các bài trắc nghiệm được thiết kế theo dạng câu hỏi lựa chọn đáp án trả lời và đáp án cùng lời giải sẽ có ngay khi học sinh hoàn thành bài kiểm tra, do đó sẽ rất thuận lợi cho giáo viên sử dụng.
Ví dụ: Khi kết thúc một bài học Địa lí có tích hợp nội dung giáo dục biến đổi khí hậu, cuối giờ học giáo viên có thể dành 5 phút để kiểm tra mức độ nhận thức về vấn đề biến đổi khí hậu của học sinh qua một bài Quizz trên Webiste. Bài quiz gồm 10 câu hỏi trắc nghiệm với đề mục: Bạn biết gì về thực trạng biến đổi khí hậu hiện nay”. Giáo viên sẽ yêu cầu 1 học sinh được chỉ định hoặc HS xung phong làm bài trắc nghiệm đứng lên trả lời các câu hỏi. HS cả lớp sẽ yên lặng theo dõi lắng nghe và tự tính kết quả mình làm được.
Hình 5.23. Giao diện bài Quiz trên Website
Sau khi học sinh lần lượt trả lời hết các câu hỏi trắc nghiệm, giáo viên sẽ gửi đáp án ngay trên Webiste. Website sẽ phản hồi ngay số lượng câu trả lời đúng của HS và đưa ra lời giải thích, bổ sung kiến thức cho đáp án. Các HS khác cũng có thể tự mình biết được mức độ nhận thức của bản thân qua các câu hỏi và được bổ sung thêm những kiến thức bổ ích về biến đổi khí hậu qua bài trắc nghiệm.
  • Sử dụng Website để giao nhiệm vụ học tập cho HS
Phương pháp sử dụng Website để giao nhiệm vụ học tập cho học sinh thường được gọi là phương pháp dạy học Webquest, phương pháp này đã được tác giả luận án trình bày đầy đủ trong chương 2 luận án. Giáo viên có thể giao các nhiệm vụ học tập cho HS hoàn thành trên các đường link giáo viên đã lựa chọn từ Website giáo dục biến đổi khí hậu. Nhiệm vụ của HS là mở các đường link đó ra, đọc, phân tích, tổng hợp và tạo ra sản phẩm để hoàn thành yêu cầu do giáo viên đưa ra.
Ví dụ: Sau khi học xong chương Vấn đề sử dụng và bảo vệ tự nhiên trong chương trình Địa lí lớp 12, giáo viên Địa lí chia lớp thành 4 nhóm lớn và giao nhiệm vụ:
Hãy tạo ra một sản phẩm tuyên truyền bảo vệ khí hậu và môi trường với thông điệp “ Vì một Trái đất xanh xin hãy ngừng làm biến đổi khí hậu”.
Sản phẩm có thể là: poster tuyên truyền, bài thuyết trình, video phóng sự,…
Thời gian: 2 tuần
Tài liệu và thông tin tham khảo: Website giáo dục biến đổi khí hâu
Khi đến hạn nộp các sản phẩm, Các nhóm sẽ được trình bày hoặc thể hiện cho cả lớp xem kết quả của nhóm mình. Giáo viên sẽ để các nhóm trình bày ý tưởng và sản phẩm, các nhóm khác có thể góp ý và nhận xét. Sau cùng giáo viên sẽ nhận xét, đánh giá, góp ý và chấm điểm. Đối với những sản phẩm HS thực hiện xuất sắc, giáo viên có thể đăng bài lên Website Giáo dục biến đổi khí hậu để chia sẻ thông điệp dưới góc nhìn của học sinh.

III. Sử dụng Website để chia sẻ, giao lưu, trao đổi, thảo luận những kiến thức về biến đổi khí hậu

Bản thân mỗi giáo viên đã là một nhà sư phạm, một nhà giáo dục với những kiến thức chuyên môn, năng lực giảng dạy, khả năng sáng tạo, kinh nghiệm giáo dục khác nhau. Trong đó có rất nhiều giáo viên đã tạo nên những thành công trong sự nghiệp giảng dạy của mình.  Khi giáo viên chia sẻ những phương pháp giáo dục hay và kinh nghiệm giảng dạy quý giá sẽ giúp lan tỏa được những điều tích cực đến nhiều giáo viên và học sinh khác. Tục ngữ Việt Nam có câu “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao” với ý nghĩa là sự đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau sẽ tạo nên được sức mạnh và hiệu quả.
Website biến đổi khí hậu được thành lập với mục đích chia sẻ và hỗ trợ giáo viên và học sinh phổ thông những kiến thức và kĩ năng ứng phó với biến đổi khí hậu. Có thể coi đây là một diễn dàn chuyên môn để các giáo viên phổ thông, đặc biệt là các giáo viên Địa lí học hỏi, giao lưu, chia sẻ, cùng hỗ trợ nhau để nâng cao hiệu quả giáo dục ứng phó với biến đổi khí hậu. Do đó, giáo viên khi sử dụng Website để hỗ trợ quá trình dạy học, có thể mạnh dạn tham gia vào diễn đàn chung ấy, chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm của bản thân, học hỏi từ những đồng nghiệp khác, giúp Website phát triển nội dung tốt hơn.
Tham gia viết bài và trao đổi, chia sẻ trên Website được thực hiện với những thao tác đơn giản, dễ dàng cho giáo viên thực hiện theo trình tự sau: tạo tài khoản và đăng nhập vào tài khoản. Vào mục Đăng bài mới (New Post), đặt tên cho bài viết, đưa nội dung kiến thức qua kênh hình và kênh chữ vào ô nội dung, trích dẫn nguồn tham khảo hoặc đề tên tác giả, lựa chọn thư mục phù hợp, hình ảnh đại diện và cuối cùng là Publish ( đăng bài). Bài viết sẽ được gửi đến ban quản trị Website để xem xét nội dung và hình thức thể hiện, nếu phù hợp sẽ lựa chọn đồng ý để đưa bài viết trên Trang chủ Website.

IV. Giáo viên định hướng cho HS sử dụng hiệu quả Website trong quá trình tự học và rèn luyện kĩ năng ứng phó với biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đã và đang hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày và gây nhiều tác hại đến môi trường sống của con người và các loài sinh vật. Con người cần phải thay đổi trong các hoạt động sinh hoạt và sản xuất để ứng phó, hạn chế và ngăn chặn những tác động của biến đổi khí hậu. Các hoạt động giáo dục qua các bài học và các hoạt động ngoại khóa ở trường học có thể góp phần quan trọng trong giáo dục biến đổi khí hậu nhưng điều đó là chưa đủ. Với thời lượng và nội dung của các hoạt động, học sinh không thể tiếp thu và lĩnh hội hết được những kiến thức cần thiết trong phòng, chống và ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong trường hợp đó, việc tự học của học sinh là một yếu tố quan trọng góp phần giúp quá trình giáo dục được diễn ra liên tục và hiệu quả hơn. Định hướng học sinh tự học với các nhiệm vụ học tập dưới sự hỗ trợ của Website giáo dục biến đổi khí hậu sẽ là một giải pháp hỗ trợ hiệu quả. Điều này khiến cho quá trình giáo dục được liên tục và không bị ngắt quãng. Với sự phát triển của công nghệ thông tin và Internet hiện nay ở Việt Nam, số lượng HS phổ thông được tiếp cận với máy tính, điện thoại di động có kết nối Internet là rất cao và ngày càng gia tăng. Do đó, giáo viên có điều kiện thuận lợi để định hướng học sinh tự học với Website biến đổi khí hậu.
Nguồn thông tin, kiến thức từ các tài liệu, tin tức trên Website giúp học sinh bổ sung và mở rộng kiến thức về vấn đề biến đổi khí hậu và có thể hoàn thành các nhiệm vụ học tập được giáo viên giao. Bên cạnh việc học tập, học sinh có thể giải trí thông qua các trò chơi trực tuyến được giới thiệu trên Website, nghe nhạc và xem các video thú vị để thư giãn. Các trò chơi, ca khúc, video được lựa chọn trên Website đều có tác dụng nhất định trong việc chuyển tải thông điệp bảo vệ môi trường, bảo vệ khí hậu theo một cách tiếp cận tự nhiên đối với lứa tuổi học sinh trung học phổ thông.
Tuy nhiên để học sinh có thể học tập hiệu quả với Website giáo dục biến đổi khí hậu, giáo viên cần hướng dẫn sử dụng cho học sinh theo hướng sau:
  • Hướng dẫn thao tác sử dụng Website cho học sinh: đọc bài, tải tài liệu, chơi trò chơi, làm các bài trắc nghiệm, trao đổi thảo luận trên Website, cách đăng bài trên Website
  • Giao các nhiệm vụ học tập với Website và hướng dẫn học sinh cách thực hiện.
  • Động viên học sinh tạo thói quen thường xuyên theo dõi những tin tức sự kiện về biến đổi khí hậu được cập nhật trên Website. Đối với những thông tin và kiến thức mới, quan trọng học sinh nên có sự lưu ý ghi chép lại vào sổ tay học tập.
  • Động viên học sinh học hỏi những kĩ năng ứng phó với biến đổi khí hậu được giới thiệu trên Website để trang bị cho bản thân những kĩ năng quan trọng trong những trường hợp cần thiết.
  • Sắp xếp thời gian sử dụng Website giáo dục biến đổi khí hậu trong học tập, giải trí một cách hợp lý để mang lại hiệu quả mà không làm ảnh hướng đến các hoạt động khác. Ví dụ: mỗi ngày học sinh có thể truy cập Website khoảng 30 phút để đọc tin tức, nghe nhạc, chơi trò chơi. Nếu có nhiệm vụ học tập liên quan đến Website có thể tăng thêm thời gian tuy nhiên không nên xem quá nhiều trên máy tính hoặc điện thoại sẽ ảnh hưởng đến thị lực và thời gian cho các hoạt động khác.
  • Khuyến khích học sinh tăng sự tương tác trong quá trình sử dụng Website giáo dục biến đổi khí hậu: tương tác với giáo viên, bạn bè để hoàn thành nhiệm vụ học tập với Website; Tương tác với tác giả các bài viết và ban quản trị Website nếu muốn trao đổi, thảo luận, chia sẻ thông tin; tương tác với những người xem Website khác hoặc bạn bè qua trò chơi trực tuyến trên Website…

V. Lưu ý với giáo viên khi sử dụng Website giáo dục biến đổi khí hậu

Hiện nay ở Việt Nam, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và Internet đã hỗ trợ rất nhiều cho quá trình dạy học. Việc sử dụng Website trong dạy học đã trở nên phổ biến hơn, góp phần đổi mới hương pháp và nâng cao chất lượng giảng dạy. Tuy nhiên, để phát huy được hiệu quả tích cực của các Website trong dạy học nói chung và Website giáo dục biến đổi khí hậu trong dạy học Địa lí nói riêng, cần lưu ý một số vấn đề sau:
Mọi thiết bị dạy học nói chung và Website dạy học nói riêng được coi là phương tiện hỗ trợ cho hoạt động dạy học của giáo viên vì bản thân tự nó không có khả năng thực hiện các nhiệm vụ của quá trình dạy học. Mọi hoạt động nhằm đảm bảo những yêu cầu của một quá trình dạy học, hiệu quả mà nó mang lại đều bắt nguồn từ giáo viên. Mỗi giáo viên bằng kinh nghiệm, khả năng, năng lực của bản thân để lựa chọn phương pháp dạy học, phương tiện dạy học, hình thức dạy học phù hợp với nội dung bài học và đối tượng học sinh. Website dạy học có thể hỗ trợ giáo viên trên nhiều phương diện, tạo điều kiện tốt cho giáo viên trong việc nâng cao chất lượng giảng dạy tuy nhiên vai trò cốt lõi vẫn nằm ở người giáo viên. Người giáo viên là người điều khiển, tổ chức, hướng dẫn quá trình dạy học và làm chủ các phương tiện dạy học.
Theo quan niệm dạy học hiện đại, học sinh được xem là trung tâm của quá trình dạy học nên khi sử dụng bất kì một phương pháp dạy học hay phương tiện dạy học nào đều cần hướng đến đối tượng là học sinh. Học sinh ở các trường THPT hiện nay ở Việt Nam đã không còn xa lạ với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong học tập và tìm kiếm những thông tin kiến thức từ Internet. Tuy nhiên, để sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin và Internet trong học tập, học sinh cần có những kĩ năng nhất định về công nghệ thông tin. Hơn nữa hiện nay sự phát triển của Internet bên cạnh việc đem đến rất nhiều những lợi ích cho học sinh trong học tập, giải trí cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe và tinh thần của học sinh như các Website đồi trụy, những trò chơi vô bổ, lan truyền những tệ nạn xã hội… Do đó, cần trang bị cho học sinh những kĩ năng cơ bản để học sinh sử dụng có hiệu quả Internet nói chung và các Website dạy học nói riêng trong quá trình học tập. Đồng thời, giáo viên nên thiết kế thêm các nhiệm vụ học tập gắn liền với Website dạy học để học sinh được thực hành và rèn luyện các kĩ năng về công nghệ thông tin, các năng lực tìm kiếm phân tích tổng hợp kiến thức, kĩ năng hợp tác giao lưu.
Mọi phương tiện, thiết bị dạy học đều không phải là vạn năng, đều có những mặt tích cực và hạn chế nhất định. Do đó khi sử dụng Website trong dạy học giáo viên cần kết hợp, phối hợp sử dụng với các phương tiện, thiết bị dạy học bổ trợ khác. Tùy vào nội dung bài học, phương pháp dạy học mà có thể kết hợp sử dụng Website với bản đồ, lược đồ, mô hình,… để giải thích, chứng minh làm sáng tỏ vấn đề của đối tượng, các sự vật hiện tượng liên quan đến các vấn đề địa lý và biến đổi khí hậu ở xung quanh. Việc kết hợp sử dụng Website với các phương tiện dạy học khác không chỉ làm cho nguồn thông tin được đầy đủ, chính xác hơn mà còn có tác dụng giúp người học biết cách sử dụng, khai thác tính năng của nhiều loại hình phương tiện, thiết bị khác nhau trong dạy học và phối hợp chúng một cách hợp lí. Hoạt động này trong dạy học giúp người học phát triển kĩ năng thực hành và bồi đắp năng lực sử dụng công cụ, phương tiện dạy học như bản đồ, video, tranh ảnh, số liệu thống kê…

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Hình ảnh

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN MỚI NHẤT