31 C
Hue
21/11/24

Khô hạn

Cảnh khô hạn tại hồ Chilwa ở khu vực Zomba, miền đông Malawi, ngày 19/10/2018.
(Ảnh: AFP/ TTXVN)
Thế giới trải qua một tháng 6 nóng nhất trong vòng 140 năm; các khối băng tại Bắc cực đang tan chảy nhanh hơn, hạn hán hoành hành tại nhiều nơi… cho thấy biến đổi khí hậu không chỉ là lời cảnh báo, mà đang thực sự hiện hữu trên trái đất, với những hậu quả không lường trước được.
Châu Âu tuần qua đã phải vật lộn với mùa Hè nóng nhất trong lịch sử, với báo động đỏ ở Bỉ, báo động cam ở Pháp. Thủ đô Paris của Pháp đã trải qua thời kỳ nóng nhất trong lịch sử khi nhiệt độ ngày 25/7 lên tới hơn 42,6 độ C. Các chuyên gia khí tượng cảnh báo, những đợt nắng nóng tàn khốc có thể là xu hướng cho mùa Hè châu Âu trong những năm tới.
Một chuyên gia khí tượng của Pháp Patrick Galois khẳng định: “Chúng ta thấy tình trạng nắng nóng xảy ra thường xuyên hơn. Các đợt nắng nóng đang được tăng cường và có xu hướng sẽ tiếp tục trong những năm tới. Điều này cũng không có nghĩa là các mùa hè tại châu Âu sẽ chứng kiến các đợt nắng nóng tương tự, mùa hè năm tới có thể mát mẻ hơn, nhưng diễn biến về khí hậu đang ngày càng khó lường và theo dài hạn ở mức độ toàn cầu, tình trạng nắng nóng thường xuyên sẽ càng ngày càng gia tăng”.
Không chỉ châu Âu, mà châu Phi, Mỹ và Nam Mỹ, Đông Á và Tây Canađa cũng ghi nhận mức nhiệt độ trong tháng 6 cao nhất trong lịch sử. Nhiệt độ cao tại nhiều khu vực đang kéo theo các thảm họa thiên tai khác như cháy rừng, mực nước biển dâng do băng tan hay hạn hán. Người phát ngôn của Tổ chức khí tượng thế giới Clare Nullis cho biết, các tảng băng tại đảo Greenland, Đan Mạch đang tan chảy với tốc độ nhanh hơn trong những tuần gần đây, với năm 2019 có thể là thời điểm đảo Greenland lập kỷ lục mới về băng tan.
“Đợt nắng nóng này do tác động của dòng không khí nóng từ Bắc Phi và Tây Ban Nha và điều đáng quan tâm là dòng khí nóng này sẽ hướng đến Greenland. Điều này sẽ dẫn đến nhiệt độ cao và do đó tăng cường sự tan chảy của băng Greenland. Đã có sự tan chảy khá nhanh của dải băng Greenland trong những tuần gần đây. Chỉ riêng trong tháng 7, nó đã mất 160 tỷ tấn băng do sự tan chảy bề mặt của các khối băng. Nó gần tương đương với 64 triệu bể bơi có kích cỡ Olympic”.
Nhiệt độ tại nhiều nước tăng cao, phá kỷ lục mọi thời đại, ngoài việc khiến nhiều người thiệt mạng và suy giảm sức khỏe, thì những tổn thất kinh tế và xã hội đang để lại hệ lụy lâu dài. Các đợt “siêu hỏa hoạn” do cháy rừng hay hạn hán kéo dài ảnh hưởng đến nông nghiệp mùa màng đang chứng minh những hậu quả của biến đổi khí hậu do con người gây ra. Giới khoa học cảnh báo, nếu thế giới không giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2035, nhiệt độ trung bình hàng năm vào cuối thế kỷ 21 sẽ tăng 4,5-5 độ C. Và điều này có nghĩa là một nửa dân số thế giới sẽ chết vì thời tiết bất thường không thích hợp với sự sống, một nửa khác sẽ tham gia vào các cuộc xung đột vũ trang giành nguồn tài nguyên còn lại và chiến tranh thế giới sẽ nổ ra.
Điều này đặt ra tính cấp thiết cho thế giới trong việc chung tay chống lại tình trạng biến đổi khí hậu. Đã có những bước tiến trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, với Thỏa thuận khí hậu Paris lịch sử ký kết năm 2015 có sự tham gia của 196 quốc gia. Tuy nhiên, quyết định của Mỹ rút khỏi Hiệp định Paris, cùng nhiều nước đang cân nhắc nối bước Mỹ hay EU tháng 6 vừa qua thất bại trong việc thống nhất mục tiêu giảm lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính cho thấy vẫn còn quá nhiều rào cản, khiến cộng đồng quốc tế chưa thể chung tay hạn chế sức tàn phá khủng khiếp của “quả bom khí hậu”./.
Bài trước
Bài tiếp theo

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Hình ảnh

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN MỚI NHẤT