31 C
Hue
29/03/24
Trang chủTin tức & Sự kiệnBảo vệ khí hậu - Biến lời nói thành hành động

Bảo vệ khí hậu – Biến lời nói thành hành động

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ngày 29-2-2020 cảnh báo nhiệt độ tại Nam Cực trong tháng 2-2020 đạt mức cao kỷ lục dẫn đến tình trạng băng đang tan chảy với tốc độ đáng báo động. Hiện tượng đó chưa từng xảy ra tại Nam Cực cho tới thế kỷ XXI này.  

Theo AFP, các mục tiêu chống biến đổi khí hậu đã được xác định, hiện nay, điều khẩn thiết là thế giới, từ các công dân cho đến chính phủ các nước, phải biến lời nói thành hành động cụ thể.

Bảo vệ khí hậu - Biến lời nói thành hành động
Tình trạng băng ở Nam Cực tan chảy với tốc độ đáng báo động

Nhà khoa học Mauri Pelto (Đại học Nichols ở Massachusetts, Mỹ) cho rằng, để bảo vệ khí hậu trái đất, mỗi chúng ta phải giảm tiêu thụ năng lượng và thay đổi phương thức giao thông vận chuyển.

Nhu cầu năng lượng của thế giới ngày càng cao và tốc độ sử dụng cũng tăng theo đà tăng trưởng kinh tế. Ngành năng lượng là lĩnh vực phát thải hơn 1/3 tổng lượng khí CO2, cao hơn rất nhiều so với các lĩnh vực khác. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IAE), than đá là nguồn nhiên liệu chính để sản xuất điện, chiếm 40% tổng sản lượng điện thế giới, 2/3 số nhà máy nhiệt điện than nằm ở châu Á.

Về các giải pháp thay thế, chuyên gia Pelto cho rằng, chúng ta có khí đốt dồi dào và không đắt, nhưng vẫn phát thải CO2 cho dù ít hơn 2 lần so với điện than. Ngoài ra, sản xuất điện hạt nhân không phải là nguồn xả thải khí carbon nhưng lại đặt ra nhiều vấn đề khác. Còn các nguồn năng lượng tái tạo hiện chiếm hơn 1/4 tổng sản lượng điện toàn cầu. Chi phí sản xuất năng lượng tái tạo đã giảm nhiều trong những năm qua, chẳng hạn giá các tấm pin năng lượng mặt trời đã giảm còn 1/10 sau 10 năm, nhưng việc ngưng tài trợ cho điện mặt trời tại một số nước đã góp phần kìm hãm sự phát triển của loại năng lượng sạch này. Tại châu Âu, lượng khí carbon phát thải từ hoạt động sản xuất điện đã giảm, chủ yếu do Đức giảm điện than và các nước tăng sản xuất các loại năng lượng tái tạo.

Giao thông là một trong những lĩnh vực mà lượng khí phát thải không ngừng tăng, tăng 16% trong giai đoạn 1990-2015. Theo số liệu được công bố mới đây, hiện nay, 15% lượng khí CO2 thải ra là từ lĩnh vực giao thông. Tại châu Âu, tỷ lệ này còn cao hơn, chiếm tới 25% lượng khí gây hiệu ứng nhà kính, trong đó 70% là do giao thông đường bộ gây ra. Armateurs de France, tổ chức tập hợp các doanh nghiệp hàng hải, cho biết, giao thông vận tải đường biển chỉ xả thải 2,3% các khí làm nóng trái đất.

Song, thay đổi phương thức vận chuyển không phải là điều đơn giản. Ngay từ năm 2011, EU đã quyết định từ nay đến năm 2050 sẽ giảm 60% lượng khí CO2 phát thải trong ngành giao thông vận tải. Tuy nhiên, Tổ chức Greenpeace nhận định, để đạt được mục tiêu đó, EU phải từ bỏ các xe chạy bằng xăng, diesel và hybride trước năm 2028.

José Viegas, cựu tổng giám đốc của tổ chức liên chính phủ có tên gọi là FIT – Diễn đàn quốc tế về giao thông, cảnh báo: Tính trên quy mô toàn cầu, các chính sách hiện có và các chính sách dự kiến để giảm phát thải khí carbon trong lĩnh vực giao thông vận tải sẽ không đủ để đạt được các mục tiêu chống biến đổi khí hậu. Từ nay đến năm 2050, công nghệ có thể góp phần giúp các phương tiện chuyên chở giảm 70% lượng CO2 phát thải ra môi trường, phần còn lại phải do con người thay đổi thói quen. Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) đề nghị các tàu giảm tốc độ để giảm tiêu thụ nhiên liệu và giảm thải khí carbon. Ngày 2-3-2020, IMO thông báo sẽ cấm sử dụng dầu mazut ở Bắc Cực kể từ năm 2024. Như vậy, nhu cầu dầu thô trong vận tải hàng hải sẽ giảm, nhất là đối với loại dầu nặng của Nga chứa hàm lượng lưu huỳnh cao đang được sử dụng chủ yếu để sản xuất mazut.

Hiệp hội Mạng lưới hành động vì khí hậu khuyến cáo mọi người từ bỏ các phương tiện cơ giới chạy bằng nhiên liệu hóa thạch, cải thiện công nghệ để các loại xe tiêu tốn ít nhiên liệu hơn, cũng như quy hoạch lại không gian sống để hạn chế mở rộng các đô thị và nhu cầu di chuyển của người dân.

Máy bay thải khí CO2 nhiều hơn 1.500 lần so với tàu hỏa. Chính vì thế, từ vài tháng nay, tại Thụy Điển có phong trào “Flygskam”. Cảm thấy xấu hổ, tội lỗi khi di chuyển bằng máy bay, người dân Thụy Điển kêu gọi mỗi người chủ động giảm đi máy bay. Hiện giao thông hàng không mới chỉ thải ra 2% tổng lượng khí CO2 toàn cầu, nhưng theo dự báo, đến năm 2037, số lượng các chuyến bay tăng gấp đôi, lượng CO2 phát thải ra môi trường cũng tăng gấp 2 lần.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, việc sử dụng đất đai tốt hơn sẽ đóng vai trò quyết định để chống biến đổi khí hậu. Nhiều người nghĩ rằng các nhà máy nhiệt điện than hay phương thức di chuyển bằng máy bay mới là nguồn xả thải nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính nhất, nhưng cách thức, thói quen ăn uống của con người trong những thập niên gần đây mới là nguyên nhân chính đặt ra những thách thức về khí hậu. Trước tiên, đó là vì phương thức sản xuất nông nghiệp thông thường thải ra rất nhiều khí gây hiệu ứng nhà kính, đặc biệt là khí oxit nitơ do việc sử dụng phân đạm tổng hợp gây ra. Hoạt động chăn nuôi bò xả thải nhiều khí methane. Theo GIEC, nhóm chuyên gia của Liên Hiệp Quốc về khí hậu, lượng khí gây hiệu ứng nhà kính do các lĩnh vực nông nghiệp, khai thác rừng và các hoạt động khác sử dụng đất đai thải ra chiếm tới 28% tổng lượng khí gây hiệu ứng nhà kính do hoạt động của con người gây ra.

Nguồn: S.Phương

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Hình ảnh

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN MỚI NHẤT