Trung tâm Khí hậu quốc gia Trung Quốc vừa công bố Sách Xanh về Biến đổi khí hậu ở Trung Quốc năm 2020. Đây là tài liệu thường niên quan trọng của Chính phủ Trung Quốc, nhằm đánh giá mức độ ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với quốc gia này.
|
Nhiều vùng ở Trung Quốc đang đối mặt với lũ lụt tồi tệ nhất trong nhiều thập kỉ qua
|
Sách Xanh 2020 nhấn mạnh, BĐKH tại Trung Quốc đang diễn ra nhanh hơn ở hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, và tác động như mưa dữ dội, nắng nóng cực đoan và sông băng và băng vĩnh cửu tan biến – đang diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Theo đó, Trung Quốc đang nóng lên nhanh hơn đáng kể so với mức trung bình của thế giới, với mức tăng 0,24°C/thập kỷ kể từ năm 1951. Các đợt nắng nóng cực đoan gia tăng đáng kể, điển hình là năm 2019 ghi nhận nhiệt độ lên đến 43°C và 64 trạm khí tượng đã báo cáo mức nhiệt độ kỷ lục.
Bản đánh giá này được công bố khi Trung Quốc đang phải hứng chịu những trận lũ lụt nghiêm trọng. Tính đến giữa tháng 8, lũ lụt đã ảnh hưởng đến gần 63 triệu người (cao hơn 12,7% so với mức trung bình của 5 năm qua), khiến 219 người chết hoặc mất tích, gây thiệt hại kinh tế ít nhất 26 tỷ USD.
Cùng với lũ lụt, Trung Quốc cũng phải gánh chịu những đợt hạn hán dữ dội. Bắt đầu từ tháng 4, tỉnh Vân Nam ở phía tây nam Trung Quốc, trải qua trận hạn hán tồi tệ nhất trong 10 năm qua. Hơn 1 triệu người phải chịu cảnh thiếu nước và mất mùa. Khu tự trị Nội Mông cũng đang phải vật lộn với lượng mưa thấp và nhiệt độ cao.
Hiện tượng mưa cực đoan ngày càng trở nên phổ biến, với số ngày mưa bão tăng 3,8% sau mỗi 10 năm. Trong giai đoạn từ 1980 – 2019, nước biển dâng với tốc độ 3,4 mm/năm, nhanh hơn so với mức trung bình toàn cầu cùng kỳ. Mực nước biển của Trung Quốc năm 2019 đã cao hơn 72mm so với mức trung bình giai đoạn 1993 – 2011.
Giống như xu hướng trên toàn cầu, các sông băng ở Trung Quốc cũng đang bị thu hẹp dần với tốc độ đáng lo ngại. Trong 2019, các sông băng lớn như Thiên Sơn số 1 (Tianshan Glacier No.1), Muz Taw và một sông băng quan trọng ở đầu nguồn sông Dương Tử đang tan chảy nhanh hơn trước. Năm 2019, nhánh phía đông Sông băng Thiên Sơn số 1 đã bị thu hẹp 9,3 mét, mức nhanh nhất kể từ các đợt theo dõi đầu tiên cách đây 60 năm.
Băng vĩnh cửu ở cao nguyên Tây Tạng ở Trung Quốc cũng đang tan dần khi thời tiết ngày càng ấm lên. Từ năm 1981 – 2019, độ dày của lớp băng trên bề mặt – thường tan vào mùa hè và đóng băng trở lại vào mùa đông – dọc theo đường cao tốc Thanh Hải -Tây Tạng tăng trung bình 19,6cm mỗi thập kỷ, đồng nghĩa với việc lớp băng vĩnh cửu đóng băng quanh năm ngày càng ít đi. Năm 2019 là năm lớp băng bề mặt ghi nhận độ dày kỷ lục thứ hai trong lịch sử.
Các phân tích độc lập đã chỉ ra gánh nặng kinh tế lớn mà Trung Quốc phải đối mặt từ những sự kiện cực đoan này. Theo một nghiên cứu năm 2016 của Trung tâm Nghiên cứu Chung của Ủy ban Châu Âu, Trung Quốc hiện nay là quốc gia có nguy cơ lũ lụt cao nhất trên thế giới, ước tính mức thiệt hại 25 tỷ euro mỗi năm. Một nghiên cứu năm 2018 về hạn hán ở Trung Quốc được công bố trên Tạp chí PNAS đã phát hiện ra thiệt hại liên quan đến tình trạng thiếu nước ở Trung Quốc lên đến 12,8 tỷ đô la một năm.