31 C
Hue
30/10/24
Trang chủTin tức & Sự kiệnBiến đổi khí hậu: Cần giáo dục học sinh đối phó với...

Biến đổi khí hậu: Cần giáo dục học sinh đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu

Theo nghiên cứu về khí hậu mới nhất của Liên Hợp Quốc (LHQ), biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ảnh hưởng lớn đến tất cả các khía cạnh của môi trường.
Nghiên cứu gợi mở giáo viên có thể giúp trẻ em và người lớn phân loại khối lượng lớn thông tin, tránh bị choáng ngợp và hiểu được những thách thức và giải pháp tiềm năng đối với những gì mà Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres gọi là “cuộc khủng hoảng đang tồn tại”.
Một chương trình của LHQ dành cho các trường học đang muốn chuyển biến ngành giáo dục thành một phần trung tâm của phản ứng quốc tế đối với BĐKH và trao cho học sinh những kiến ​​thức cần thiết để chống khủng hoảng và thích ứng với các tác động về BĐKH.
Theo Natukunda Edetruda, một học sinh của trường Immaculate Heart School ở Uganda, giới trẻ có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống BĐKH. “Tương lai nằm trong tay của giới trẻ và giới trẻ có vai trò trong việc phá hủy hoặc bảo vệ nó. Tôi tin rằng sự thay đổi bắt đầu từ một cá nhân và với tư cách là một cá nhân, mỗi người nên được trao quyền để bảo vệ môi trường” – Natukunda Edetruda nhấn mạnh.
Biến đổi khí hậu: Cần giáo dục học sinh đối với cuộc khủng hoảng khí hậu

Theo Natukunda Edetruda, học sinh của trường Immaculate Heart School ở Uganda, giới trẻ có vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống BĐKH

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá của Liên Hợp Quốc (UNESCO) đặt mục tiêu tích hợp tính bền vững, bao gồm cả hành động khí hậu vào mọi khía cạnh của đời sống học đường.
Học sinh và giáo viên tại trường Immaculate Heart School đã tham gia vào một loạt các hoạt động liên quan đến tính bền vững, bao gồm sử dụng thủy tinh tái chế để làm men cho các lớp gốm sứ và xây dựng bộ lọc nước để ngăn ngừa các bệnh liên quan đến nguồn nước ô nhiễm.
Các trường khác trong chương trình tập trung vào việc cải thiện môi trường xây dựng. Trường Waldorf ở Namibia đã ngăn chặn tác động đến môi trường trong khuôn viên trường bằng cách trồng cây và thảm thực vật. Trong khi đó, trường St. Jude ở Costa Rica đã thay thế máy điều hòa không khí bằng các lựa chọn thân thiện với môi trường hơn, và các học sinh của trường Cours Saint Marie de Hann ở Senegal làm một vườn treo từ chai tái chế và lốp xe.
Phản hồi từ các trường học cho thấy kết quả tích cực. Các trường tham gia phủ xanh cơ sở, cải thiện quản lý nước, chất thải và năng lượng, cũng như sức khỏe và phúc lợi chung của cộng đồng trường học.
Ngoài ra, học sinh và giáo viên đã nâng cao ý thức môi trường, và tầm nhìn về các biện pháp giúp các trường học và cộng đồng bền vững và kiên cường hơn với BĐKH.
Thành công của dự án thí điểm, kéo dài từ năm 2016 – 2018, đã thúc giục ASPnet (nền tảng ứng dụng web được phát triển và cung cấp bởi Microsoft – PV) mời tất cả các tổ chức thành viên – gồm khoảng 11.500 trường học ở 180 quốc gia – áp dụng cách tiếp cận tương tự và phát triển các kế hoạch hành động để chống BĐKH ở cấp địa phương.

Chuẩn bị sẵn sàng cho khí hậu

Chương trình của UNESCO cho thấy tầm quan trọng của việc biến hành động khí hậu trở thành một phần của mọi khía cạnh trong đời sống học đường, từ việc giảng dạy đến cách vận hành trường học và tác động của chúng đối với cộng đồng địa phương.
Cơ quan này đã đưa ra một hướng dẫn cho các trường học với tên gọi “Chuẩn bị sẵn sàng cho khí hậu”, trong đó ủng hộ cách tiếp cận toàn bộ trường học. Giáo viên đã chỉ ra một số lợi ích, chẳng hạn như các cơ hội học tập có ý nghĩa và thực hành nhiều hơn, giảm đáng kể các dấu chân sinh thái (một thước đo nhu cầu về các diện tích đất, nước có khả năng cho năng suất sinh học cần thiết để cung cấp thực phẩm, gỗ cho con người – PV) của trường học và tiết kiệm thông qua việc sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn.
Chẳng hạn, tại Colégio Israelita Brasileiro, một trường học ở Rio de Janeiro, tất cả mọi người trong trường, từ người gác cổng đến giáo viên, học sinh và nhân viên hỗ trợ đều tham gia vào các hoạt động học tập liên quan đến khí hậu.
Các hoạt động bao gồm xây dựng giá đỡ xe đạp bằng năng lượng mặt trời và tre, và chuyển đổi dầu ăn đã sử dụng thành dầu diesel sinh học. Những hoạt động này đã tạo ra sự gắn kết giữa các thành viên khác nhau trong cộng đồng nhà trường và mang lại cảm giác thân thuộc và tự hào.
Biến đổi khí hậu: Cần giáo dục học sinh đối với cuộc khủng hoảng khí hậu

Một học sinh tại trường trung học cơ sở Gerakas, Hy Lạp, thành viên của chương trình ASPnet của UNESCO

Tại First Experimental Lyceum, một trường học ở Gennadeio, Hy Lạp, một phương pháp cải tiến đã được áp dụng cho giáo dục hành động khí hậu, đó là: sinh viên ngành sinh học và hóa học làm việc theo nhóm để nghiên cứu về BĐKH, truyền virus và động lực học của hệ sinh thái, sử dụng mô phỏng máy tính.
Những nghiên cứu sau đó đã được áp dụng cho việc xây dựng trường học của họ, nhằm tìm ra những điểm yếu về môi trường và phát triển một kế hoạch cải thiện nó. Cách tiếp cận này nhằm thu hút sinh viên và làm giàu kiến ​​thức của họ về các vấn đề trong thế giới thực.
Mặc dù một số môn học có mối liên hệ rõ ràng với hành động khí hậu như địa lý và khoa học nhưng nghiên cứu gợi ý những cách mà nhiều môn học khác cũng có thể bao gồm chủ đề về BĐKH.
Chẳng hạn, với môn lịch sử, có thể kiểm tra xã hội trước đây đã phản ứng như thế nào với các thách thức môi trường. Những môn học ngôn ngữ và văn học có thể giúp học sinh phát triển các kỹ năng giao tiếp cần thiết để đáp ứng các vấn đề của địa phương và toàn cầu; trong khi đó, học sinh toán học có thể tạo ra các biểu đồ cho thấy sự thay đổi trong sử dụng năng lượng của trường; học sinh học môn giáo dục công dân có thể phỏng vấn các quan chức địa phương về các hành động mà họ đang thực hiện để giải quyết vấn đề.
“Đa số” các quốc gia giáo dục trẻ em về BĐKH
Theo một báo cáo của UNESCO công bố hồi tháng 12/2019, hầu như tất cả các quốc gia đã cam kết giáo dục về BĐKH.
Nghiên cứu cho thấy cam kết phổ biến nhất là nâng cao nhận thức cộng đồng và việc học tập nhận thức được thảo luận phổ biến hơn (nghĩa là tích hợp kiến ​​thức khí hậu vào giảng dạy trong lớp học), thay vì chỉ học tập kiến thức xã hội và cảm xúc hoặc hành vi. Tuy nhiên, nghiên cứu cũng cho thấy tiến độ thực tế hiện khó theo dõi vì thiếu dữ liệu.
Biến đổi khí hậu: Cần giáo dục học sinh đối với cuộc khủng hoảng khí hậu

Một học sinh tại trường Weru Weru, Tanzania tham gia chương trình ASPnet của UNESCO

LHQ đang kêu gọi chuyển đổi nền kinh tế toàn cầu, trong đó công nghệ, khoa học, tài chính và sự khéo léo đều tập trung vào việc đảm bảo một tương lai bền vững cho tất cả mọi người.
Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ xảy ra nếu người học có kỹ năng cần thiết để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế mới và xanh hơn. Ngoài ra, điều đó sẽ đòi hỏi sự lãnh đạo quyết liệt từ tất cả các ban ngành trong xã hội, bao gồm chính phủ, tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân và xã hội dân sự.
Nguồn: Mai Đan – Báo Tài nguyên Môi trường

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Hình ảnh

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN MỚI NHẤT