Khi đại dương mỗi lúc một ấm lên, lượng ký sinh trùng, tảo độc gây nhiễm độc vào thịt cá gia tăng. Trong thế giới đại dương “cá lớn nuốt cá bé”, sự nhiễm độc ngày càng lan rộng. Cuối cùng trở thành nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng đối với kẻ đứng đầu chuỗi thức ăn – con người.
Rạn san hô chết là “nhà” của nhiều loại tảo độcY học gọi dạng ngộ độc thực phẩm do ăn phải cá có thịt bị nhiễm độc là Ciguatera (ngộ độc cá hay ngộ độc cá biển).
Không có cách nào sàng lọc cá bị nhiễm độc và vô phương ngăn chặn trúng độc
Theo nghiên cứu, loài ký sinh trùng có khả năng nhiễm độc thịt cá là trùng roi xoắn, ví dụ như trùng roi xoắn Gambierdiscus toxicus. Chúng chỉ sống trong vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới, nhưng có khả năng sẽ mở rộng phạm vi ra toàn đại dương nếu khí hậu cứ tiếp tục ấm dần lên.
Các loài tảo có khả năng gây ngộ độc cá thì bao gồm Prorocentrum spp, Ostreopsis spp, Coolia monotis, Thecadinium spp và Amphidinium carterae. Chúng cũng chỉ có mặt ở vùng biển nhiệt đới và cận nhiệt đới, sống bám trên bề mặt san hô, đặc biệt phát triển mạnh trên các rạn san hô bị tẩy trắng.
Trong thế giới đại dương, san hô là nền tảng thức ăn. Và cũng như trên cạn, “kẻ ăn cỏ” là mồi của nhà ăn thịt. Khi các loài cá bị trùng roi xoắn nhiễm độc hoặc ăn trúng tảo độc, chúng giữ độc tố trên cơ thể. Nếu cá nhiễm độc bị cá khác ăn thịt, độc tố sẽ tự động chuyển vào “bình chứa” mới.
Độc tố trong cá bị nhiễm độc kiểu tự nhiên này không mùi, không vị, và cũng không thể loại bỏ bằng cách nấu chín. Mỗi năm, con người đánh bắt hàng chục đến hàng trăm triệu tấn hải sản, và chúng ta không có cách nào sàng lọc lượng cá khổng lồ này.
Ciguatera hiếm khi gây chết người. Nhưng nó âm thầm tích lũy độc tố trong cơ thể, tạo gánh nặng lên lá gan, gây hư hại gan và dần dà ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Vì Ciguatera ban đầu quá nhẹ và tích lũy dần qua các năm, y học không kịp phát hiện. Đến lúc Ciguatera phát tác nặng thì… chuyện đã rồi.
San hô chết là môi trường ưa thích của nhiều loại tảo độc
Khả năng bị trúng độc rất “hên-xui” và không mấy người tự biết
Tháng 5/2019, nhà văn Naomi Tomky (Mỹ) đến Mexico du lịch. Bất chợt một hôm, cô cảm thấy buồn nôn dữ dội. Khoảng 12 giờ sau đó, chân tay bắt đầu bị tê và ngứa râm ran. Mãi sau này, Tomky mới phát hiện, đó là các triệu chứng của bị ngộ độc cá. Có điều, cô cũng chẳng làm sao biết được, món cá khiến mình nhiễm độc là ở đâu và khi nào trong suốt hành trình.
“Không xét nghiệm tử tế thì không thể nào xác định được,” – Tomky nói. “Nhưng nếu như tôi biết trước về Ciguatera, tôi đã nhận thức được ngay khi thấy mình phát triệu chứng.”
Các loài cá sống quanh những rạn san hô có nguy cơ nhiễm độc cao
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ cho biết, mỗi năm trên thế giới có khoảng 50.000 trường hợp bị Ciguatera. Đáng ngại nhất là hầu hết mọi người đều chẳng hay biết về nó.
Ngày càng trở nên nghiêm trọng vì biến đổi khí hậu
Kỳ thực, Ciguatera đã có mặt từ thuở xưa. Vào thế kỷ 4 TCN, Alexander Đại đế (Hy Lạp) từng ban lệnh cấm binh sĩ ăn cá vì những triệu chứng y hệt ngộ độc cá. Ở thế kỷ 18, một thuyền viên trên tàu của vị thuyền trưởng huyền thoạiJames Cook (Anh) cũng xuất hiện triệu chứng giống như Ciguatera.
Trái đất đang nóng lên – đây là hiện thực và là tương lai không thể tránh khỏi. Nó khiến nhiệt độ nước biển tăng lên, giết chết không ít các rạn san hô. Môi trường đại dương tuy không bị ngăn cách bởi tường hay rào chắn, nhưng vẫn có sự phân chia phạm vi. Nhiệt độ của mỗi vùng biển xác lập một danh sách các loài sống trong nó, ngăn cản sự “vượt biên”.
Khả năng trúng Ciguatera sẽ tăng lên nếu nhiệt độ toàn cầu tiếp tục tăng cao
Tuy nhiên, biến đổi khí hậu lại xóa sổ các “biên giới vô hình” này. Thay vì chỉ ở yên trong các lãnh hải cũ, trùng roi xoắn và tảo độc biển nhiệt đới sẽ mở rộng phạm vi.
Chưa hết, biến đổi khí hậu còn “tẩy trắng” san hô trên diện rộng. Nhiều loại tảo độc phát triển mạnh trong điều kiện bám vào mảng san hô chết. Chúng sẽ lọt vào lớp cuối cùng của chuỗi thức ăn, khiến cá nhiễm nhiều hơn và làm gia tăng khả năng bị Ciguatera ở người.
Thực tế trong vòng 30 năm trở lại đây, 50% các loài san hô đã chết vì biến đổi khí hậu. Dự đoán trong thế kỷ tới, tỷ lệ chết chóc này còn tăng lên đến hẳn 90%.
Hải sản là một trong các nguồn thực phẩm chính của nhân loại. Nếu không thể thành công ngăn chặn nóng lên toàn cầu, thì chẳng khác nào chúng ta tự tay bỏ độc lên món ăn của mình rồi đưa vào miệng.
Nguồn: Vũ Huế – Trí thức trẻ