Chung sức, đồng lòng ứng phó với thiên tai
Xâm nhập mặn mùa khô năm 2019 – 2020 ở khu vực ĐBSCL được đánh giá ở mức nghiêm trọng nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, mức độ gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh năm nay lại giảm thiểu đáng kể.
Kết quả này có được bởi sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và nhân dân vùng ĐBSCL. Đặc biệt là với kinh nghiệm từ mùa hạn lịch sử năm 2016, nhóm giải pháp các công trình ứng phó hạn mặn ở ĐBSCL đã được đẩy nhanh tiến độ thi công và kịp thời đưa vào sử dụng ngay trong mùa hạn mặn này, đồng thời bà con cũng đã chủ động hơn trong việc ứng phó với hạn mặn.
Một số địa phương ở ĐBSCL vẫn có vụ mùa thắng lợi nhờ chủ động thực hiện phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn |
Tại hội nghị “Tổng kết công tác chỉ đạo, điều hành phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh khu vực ĐBSCL mùa khô năm 2019 – 2020” tổ chức mới đây tại Long An, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khuyến cáo: Thời gian tới, do tác động, thách thức từ biến đổi khí hậu, tác động từ thượng nguồn và một số yếu tố khác… sản xuất, đời sống dân sinh vùng ĐBSCL sẽ tiếp tục phải chịu nhiều tổn thương. Trước thực tế này, mục tiêu hướng đến trong phát triển nông nghiệp bền vững vùng ĐBSCL chính là tìm ra được đối tượng sản xuất, phương thức sản xuất phù hợp nhất để không chỉ hạn chế những tác động tiêu cực, mà còn khai thác được những lợi thế hàng đầu về phát triển nông nghiệp của vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích và 19% dân số cả nước.
Thích ứng để “sống khỏe”
Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ chỉ rõ, phát triển vùng ĐBSCL phải xác định biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, phải biến thách thức thành cơ hội…
Thực tế mấy năm gần đây tại các tỉnh ĐBSCL cũng đã cho thấy, những tính toán hiệu quả trong việc bố trí cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp với tình trạng biến đổi của tự nhiên. Đơn cử như, gần 78.000 héc-ta lúa đông xuân năm 2019 tại Hậu Giang đã được nông dân xuống giống đúng lịch thời vụ khuyến cáo và được bảo vệ tốt trước hạn mặn tấn công, kết quả năng suất bình quân đạt 7,6 tấn/héc-ta. Tại tỉnh Kiên Giang, vụ lúa đông xuân năm 2019 cũng là một vụ mùa thắng lợi cả về năng suất và giá nhờ chủ động thực hiện sớm các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn… Hay cũng nhờ biết “né” hạn mặn, chuyển đổi giống mùa địa phương sang các giống lúa hữu cơ có thời gian sinh trưởng ngắn nên hạn mặn dù đến sớm cũng không phương hại đến sản xuất của người nông dân ở vùng đất lúa – tôm ở huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau…
Để có thể ứng phó với tình hình hạn mặn tại ĐBSCL, nhiều chuyên gia cho rằng việc dự báo về khí tượng thủy văn chính xác rất quan trọng, bởi từ dự báo, chúng ta có thể chủ động bố trí, chuyển đổi cơ cấu thời vụ. Theo đó, việc đầu tư vào hệ thống mô hình thủy văn, thủy lực là một trong những việc cần làm để nâng cao tính chính xác của công tác dự báo.
Bên cạnh đó, chìa khóa trung tâm của vấn đề ĐBSCL hiện nay là chuyển từ nông nghiệp thuần túy, chạy theo số lượng sang nông nghiệp công nghệ, số lượng ít nhưng giá trị cao, đa dạng hơn. Trước mắt, cần giảm bớt một vụ lúa ở vùng đầu nguồn để hấp thu nước lũ, kèm theo là phù sa và tôm cá vào ruộng đồng để cải thiện đất đai, tăng lượng nước để cân bằng mặn – ngọt trong mùa khô. Với vùng ven biển nên chuyển dần sang canh tác theo mặn, theo mùa, phù hợp với quy luật thiên nhiên.
Trong nỗ lực tìm kiếm đối tượng, phương thức sản xuất phù hợp với những biến đổi khí hậu của ĐBSCL, ông Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL – lưu ý: Chính phủ cần có một chương trình chuyển hóa nền nông nghiệp, giúp người dân về mặt tổ chức, kỹ thuật, tài chính, chế biến sản phẩm, xây dựng thương hiệu, chuỗi giá trị, tìm kiếm thị trường cao cấp hơn. Bởi người dân tuy sáng tạo, giàu ý tưởng nhưng đa phần là các hộ nông dân nhỏ lẻ, nguồn lực hạn chế… Giúp người dân hiểu và thích ứng với quy luật tự nhiên, đồng nghĩa với việc không phải tốn sức, loay hoay chống lũ, chống hạn, mặn, mà lại còn tận dụng được cơ hội để người dân ĐBSCL “sống khỏe” giữa những biến đổi của thời tiết.