Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Phiên họp – Ảnh: UN
Tham dự Phiên họp có Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, các nguyên thủ, Thủ tướng và đại diện cấp cao các nước thành viên HĐBA.
Tại Phiên họp, Chủ tịch HĐBA và các đại biểu đều tỏ quan ngại sâu sắc trước các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đến hoà bình và an ninh quốc tế, nhấn mạnh cộng đồng quốc tế cần tăng cường hành động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tổng Thư ký LHQ kêu gọi các nước tăng cường nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính, tạo đột phá trong thích ứng và nâng cao khả năng tự cường của các quốc gia và cộng đồng dân cư; kêu gọi các nước phát triển thực hiện đúng cam kết đóng góp 100 tỉ USD mỗi năm cho Quỹ Khí hậu Xanh, đồng thời nhấn mạnh kêu gọi tăng cường hợp tác đa phương nhằm giải quyết thách thức đan xen về khí hậu và an ninh, tận dụng tính bổ trợ lẫn nhau giữa các hoạt động thích ứng khí hậu và xây dựng hoà bình.
Phát biểu tại Phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tác động khốc liệt hiện hữu của biến đổi khí hậu ở khắp các châu lục tiềm ẩn nguy cơ bùng phát căng thẳng, bất ổn địa chính trị, ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, an ninh và sự phát triển thịnh vượng ở nhiều khu vực trên thế giới. Thế giới đang chứng kiến những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu tạo ra những tranh chấp tài nguyên thiên nhiên giữa các cộng đồng dân cư, buộc hàng chục triệu người phải tha hương tìm sinh kế, kích hoạt các mối đe doạ xuyên biên giới về an ninh sinh thái, môi trường, lương thực hay nguồn nước.
“Những hệ quả này tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành căng thẳng, bất ổn địa chính trị, ảnh hưởng trực tiếp đến hòa bình, an ninh và sự phát triển thịnh vượng của các quốc gia, dân tộc. Đây thực sự là “cảnh báo đỏ”, là mặt trận không tiếng súng nhưng gây thiệt hại về kinh tế, sinh mạng không kém phần nguy hiểm như chiến tranh, xung đột nóng”- Chủ tịch nước nhìn nhận.
Chủ tịch nước trao đổi với đại diện các nước tại Phiên họp
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch nước đưa ra khuyến nghị về ba nhóm giải pháp mà HĐBA nói riêng và LHQ nói chung cần quyết liệt hành động trong thời gian tới.
Thứ nhất, HĐBA cần đi đầu xây dựng các cơ chế đánh giá, dự báo và cảnh báo về các nguy cơ an ninh khí hậu từ sớm, từ xa để chủ động ứng phó. Để làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách ứng phó ở cấp độ toàn cầu. Chủ tịch nước đề xuất sáng kiến thiết lập cơ sở dữ liệu tổng thể về tác động đa chiều của tình trạng nước biển dâng.
Thứ hai, Chủ tịch nước nhấn mạnh cần đặt lợi ích của người dân, đặc biệt là các nhóm dễ bị tổn thương, ở vị trí trung tâm để có thể xử lý hài hoà mối liên hệ mật thiết giữa an ninh, phát triển và nhân đạo.
Thứ ba, Chủ tịch nước đề nghị cần bảo đảm chủ quyền, vai trò chủ đạo và năng lực tự cường của các quốc gia trong các nỗ lực giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường hợp tác quốc tế để bổ trợ, kết nối các nguồn lực để thực hiện Chương trình nghị sự đến năm 2030 vì sự phát triển bền vững, Thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu và các thoả thuận quốc tế lớn khác.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nền kinh tế xanh, bền vững, phát thải ít các-bon. Chủ tịch nước cũng đề cao nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết quốc tế liên quan về ứng phó với biến đổi khí hậu, khẳng định ủng hộ mọi nỗ lực ứng phó với các thách thức liên quan đến biến đổi khí hậu tại HĐBA, các diễn đàn đa phương và các khuôn khổ hợp tác song phương, khu vực khác.
Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ nguồn lực
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng cần dành nguồn lực thích đáng hỗ trợ các nước đang phát triển về tài chính, công nghệ và tri thức để không quốc gia nào tụt lại phía sau trong cuộc chiến chung chống biến đổi khí hậu.
Chủ tịch nước dẫn ví dụ Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu. Thiên tai dồn dập đã gây nhiều tổn thất về người và của. Đồng bằng sông Cửu Long, vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp của Việt Nam, đang chứng kiến hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất ở mức kỷ lục, đe dọa trực tiếp sinh kế và đời sống của 20 triệu người dân cũng như an ninh lương thực của cả nước và khu vực.
“Chính vì vậy, để thực hiện khát vọng và tầm nhìn phát triển đất nước và cũng là thể hiện trách nhiệm chung đối với cộng đồng quốc tế, Việt Nam quyết tâm và cam kết mạnh mẽ ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển nền kinh tế xanh, bền vững, phát thải ít các-bon như đã cam kết tại COP-21 Paris.
“Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ nguồn lực, tư vấn chính sách của cộng đồng quốc tế để thực hiện tốt hơn các cam kết của mình”- Chủ tịch nước bày tỏ.