(TN&MT) – Ngày 25/12/2019, tại Hà Nội, Ủy ban Đối ngoại tổ chức Hội nghị giám sát chuyên đề: “Tình hình thực hiện các điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên”.
Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu chủ trì cuộc họp |
Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu chủ trì Hội nghị. Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) Tăng Thế Cường tham dự Hội nghị.
Tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, thời gian qua, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ trong công cuộc phòng chống và thích ứng với biến đổi khí hậu ở cả phương diện quốc gia và quốc tế. Việt Nam đã rất tích cực trong việc tham gia và thực thi các cam kết quốc tế về ứng phó biến đổi khí hậu ở cả phương diện lập pháp và triển khai thực hiện. Tuy vậy, công tác thực thi các cam kết quốc tế về phòng chống biến đổi khí hậu của Việt Nam cũng còn gặp nhiều khó khăn và hạn chế.
Xuất phát từ thực tiễn trên, căn cứ triển khai Nghị quyết số 3198/NĐ-UBĐN 14 và Kế hoạch số 3199/KH-UBĐN của Ủy ban Đối ngoại về việc thành lập đoàn giám sát và triển khai chuyên đề giám sát Tình hình thực hiện các điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên.
Vì vậy, Hội nghị này sẽ tập trung trình bày báo cáo và trả lời các câu hỏi của đại biểu các Bộ, ngành về các nội dung có liên quan đến vấn đề giám sát thuộc lĩnh vực quý Bộ phụ trách, cụ thể tập trung vào những bất cập, hạn chế về chính sách, pháp luật, tổ chức thực hiện và những giải pháp khắc phục những bất cập, hạn chế.
Đồng thời đưa ra các khuyến nghị, đề xuất với Chính phủ, Quốc hội để nâng cao hiệu quả thực hiện các điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên, tăng cường hơn nữa hiệu quả các hoạt động phòng ngừa, ứng phó với các biểu hiện cực đoan của biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm trong thực hiện các điều ước quốc tế về BĐKH
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại cuộc họp |
Đánh giá tình hình triển khai thực hiện, kết quả và hiệu quả thực hiện các điều ước quốc tế đa phương và song phương về ứng phó biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành cho biết: Trong những năm qua, công tác ứng phó với biến đổi khí hậu đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và nỗ lực thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương. Nỗ lực của Việt Nam thực hiện các điều ước quốc tế về biến đổi khí hậu đã được ghi nhận tại các diễn đàn trong và ngoài nước.
Việt Nam được đánh giá là quốc gia có trách nhiệm trong thực hiện các điều ước quốc tế về biến đổi khí hậu. Đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của một Bên tham gia Công ước Khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Nghị định thư Kyoto, Thỏa thuận Paris, Công ước Viên, Nghị định thư Montreal và các bản sửa đổi có liên quan.
Đối với trong nước, Việt Nam đã dần xây dựng, từng bước hoàn thiện và thực hiện hệ thống chính sách, chủ trương, đường lối, chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong khuôn khổ Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hà Lan về quản lý nước và thích ứng với biến đổi khí hậu đã thiết lập một khuôn khổ hợp tác song phương lâu dài giữa Việt Nam và Hà Lan trong ứng phó với biến đổi khí hậu và quản lý nước, mở ra cơ hội trao đổi hợp tác giữa các cơ quan chính phủ, các viện nghiên cứu và cộng đồng doanh nghiệp hai bên trên nguyên tắc chia sẻ mối quan tâm chung.
Tuy đạt được nhiều thành quả quan trọng, nhưng việc thực hiện các điều ước quốc tế ở Việt Nam cũng bộc lộ nhiều hạn chế, cụ thể tại các điều ước về biến đổi khí hậu thường phức tạp vừa xây dựng vừa hoàn thiện. UNFCCC được thông qua năm 1992 nhưng chỉ mới là Công ước Khung, các phần chi tiết đến nay vẫn tiếp tục làm rõ. Thỏa thuận Paris phải mất 20 năm đàm phán để thông qua và mất 4 năm để xây dựng hướng dẫn chi tiết. Nghị định thư Montreal đã qua nhiều lần sửa đổi bổ sung…
Điều này gây khó khăn cho Việt Nam trong việc xây dựng các văn bản và triển khai thực hiện ở trong nước; nhiều nội dung quy định tại Điều ước quốc tế nhưng chưa được quy định tại các văn bản tương đương ở Việt Nam nên khi triển khai hết sức khó khăn.
Nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu chưa được theo dõi, giám sát theo quy định chung tại Thỏa thuận Paris. Việc sử dụng nguồn lực cho ứng phó với biến đổi khí hậu có thể ảnh hưởng đến nguồn lực cho các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội khác.
Xây dựng mục tiêu thực hiện các điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu
Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện các điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới, các bộ, ngành chủ yếu đưa ra kiến nghị chung: Cần rà soát, điều chỉnh kịp thời các quy định trong nước theo đúng quy định tại Điều 6 của Luật Điều ước quốc tế và áp dụng đầy đủ quy định này trong thực tiễn; thay đổi mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong ứng phó với biến đổi khí hậu của tất cả các cấp, các ngành, địa phương, cá nhân trong xã hội.
Hội thảo “Tình hình thực hiện các điều ước quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu mà Việt Nam là thành viên” sáng ngày 25/12 |
Kiến nghị với Quốc hội, xem xét trong quá trình xây dựng luật, pháp lệnh, các Nghị quyết về chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cần có sự tích hợp, lồng ghép nội dung biến đổi khí hậu, trước mắt tích hợp, lồng ghép vào Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm (2021-2030) và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm (2021-2025). Xem xét ưu tiên bố trí và sử dụng có hiệu quả kinh phí triển khai thực hiện những dự án cấp thiết ứng phó với biến đổi khí hậu, dần hình thành mục chi riêng về ứng phó với biến đổi khí hậu trong hệ thống mục lục ngân sách nhà nước nhằm thực hiện yêu cầu của Thỏa thuận Paris “Điều chỉnh dòng tài chính phù hợp với lộ trình phát triển phát thải thấp và thích nghi khí hậu”.
Kiến nghị đối với Chính phủ, Ủy ban quốc gia về biến đổi khí hậu xem xét tư vấn cho Chính phủ việc lồng ghép biến đổi khí hậu vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế – xã hội do Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương thực hiện, bảo đảm phát huy lợi ích tổng hợp và hạn chế các tác động tiêu cực, nhằm tăng tính bền vững của mỗi hoạt động phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan tập trung hoàn thành việc rà soát, cập nhật báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam, trong đó cung cấp các thông tin cần thiết thực hiện công khai, minh bạch, có nỗ lực thực hiện đóng góp theo cam kết với quốc tế theo lộ trình giảm phát thải kể từ năm 2021 trở đi.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách chuẩn bị, huy động nguồn lực để từng bước chủ động nội lực thực hiện đóng góp đã cam kết với quốc tế cũng như các hành động cấp bách trong ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam trong thời gian tới.
Kết luận tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho biết, thông qua báo cáo của các Bộ, Ngành, địa phương, những đóng góp thảo luận trực tiếp cho thấy rằng tinh thần triển khai các công tác của các bên đã có những hành động thiết thực nhằm tạo ra một khuôn khổ pháp lý chung điều chỉnh vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu.
Nếu có sự đồng thuận sẽ là thành quả trong công cuộc phát triển kinh tế – xã hội, quá trình phát triển bền vững sẽ có thể đạt được những mục tiêu đặt ra.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu phát biểu kết luận Hội nghị |
Thống nhất với các báo cáo, kiến nghị tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu cho rằng, biến đổi khí hậu là vấn đề của toàn cầu, thu hút được sự quan tâm, hợp tác và hỗ trợ nguồn lực từ các quốc gia trên thế giới, các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển, các nhà tài trợ.
Việc thực hiện Điều ước quốc tê về biến đổi khí hậu là cơ hội để các nước đang phát triển và chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu như Việt Nam tiếp cận được sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật, công nghệ để phục vụ các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu của nước mình, bên cạnh đó cũng tạo được sự ủng hộ đồng thuận của cộng đồng quốc tế về các vấn đề khác như chính trị, ngoại giao và phát triển kinh tế, mở rộng và tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước, các đối tác phát triển.
Trong thời gian tới, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu đề nghị cần hoàn thiện tổ chức, bộ máy thực hiện công tác ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ, ngành, địa phương; tuyên truyền tới các tầng lớp nhân dân để hiểu biết rõ hơn về biến đối khí hậu; tăng cường năng lực cho các cán bộ chuyên môn để tiếp cận, tham gia triển khai thực hiện tốt các quy định quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nguồn: Khương Trung- Báo Tài nguyên Môi trường