Nhân tai đáng lo hơn thiên tai

Theo ông Nguyễn Phương Lam – Giám đốc VCCI Cần Thơ, biến đổi khí hậu (BĐKH) hiện là một cụm từ quá đổi quen thuộc bởi BĐKH đã và đang tác động ngày một rõ nét, đến nỗi những gì bất thường trong thời tiết thì gọi đó là BĐKH.

Việt Nam là một trong 5 quốc gia trên thế giới sẽ chịu ảnh hưởng của BĐKH, thường xảy ra thiên tai và ĐBSCL là vùng chịu nặng nề nhất từ BĐKH này.

Về mặt nhận thức, tuy BĐKH đều được tuyên truyền đến cộng đồng doanh nghiệp nghe và hiểu, nhưng thực tế tư duy “chưa đến lúc” và tâm lý “bình an” của doanh nghiệp ĐBSCL vẫn còn rất lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI thường quan tâm nhiều hơn. Nhiều hoạt động, chương trình, liên quan đến rủi ro thiên tai qua nhiều năm cho VCCI tổ chức hay các dự án liên quan các doanh nghiệp trong nước ít quan tâm, đây là một điều hết sức đáng lo ngại” – ông Lam chia sẻ.

Ông Michael R. Digregorio – Trưởng đại diện, Quỹ Châu Á tại Việt Nam, đánh giá: Là một trong những nền kinh tế năng động bậc nhất khu vực châu Á, nhưng Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức của BĐKH. Theo nhiều nghiên cứu, đánh giá của quốc tế, Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ BĐKH.

Thiệt hại do BĐKH có thể lên tới 5% GDP mỗi năm tại Việt Nam, tương đương 15 tỷ USD, và con số này có thể gia tăng trong tương lai nếu các thiên tai – hiện tượng cực đoan của BĐKH – diễn ra thường xuyên hơn và khả năng chống chịu, thích ứng với các rủi ro BKĐH của Việt Nam thiếu những cải thiện nhanh chóng và hiệu quả.

Chính phủ Việt Nam đã nhận thấy tầm quan trọng của công tác thích ứng nhằm giảm thiểu tác động của BĐKH thông qua việc ban hành và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH năm 2008 và Chiến lược quốc gia về BĐKH năm 2011 cùng với nhiều hành động khác.

Tuy nhiên, khoảng cách giữa chính sách và thực thi trong lĩnh vực này còn tương đối lớn, nhất là đối với khu vực doanh nghiệp. Các chính sách, pháp luật về thích ứng rủi ro BĐKH liên quan tới khu vực doanh nghiệp cần được nhìn nhận đầy đủ hơn, có tính chiến lược hơn và cần thực sự quan tâm đến nhu cầu và rủi ro thực tế mà các doanh nghiệp gặp phải.

Thực tế cho thấy đa phần các doanh nghiệp hiện đang thiếu thông tin và tầm nhìn dài hạn về thích ứng BĐKH, mức độ tương tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm thích ứng với BĐKH giữa các doanh nghiệp còn thấp…

Giám đốc Công ty công nghệ Nhà thông minh An Giang Nguyễn Thanh Sử, cho rằng, ngoài yếu tố thiên nhiên thì sự tác động của con người đang làm trầm trọng thêm BĐKH. Ở Việt Nam quản lý rừng yếu kém, làm nhiều nhà máy điện than, quy hoạch thủy điện tràn lan, nhiều khu công nghiệp vô tư xả nước thải ra sông-nguồn nước ngọt nuôi sống hàng triệu người là thực trạng đáng báo động.

“Ngoài những yếu tố tự nhiên thì sự tác động của con người trong quá trình sinh sống đã có những hành động can thiệp quá thô bạo với thiên nhiên, nên tình trạng BĐKH đang ngày càng trầm trọng hơn ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của chúng ta ngày nay và cho cả tương lai. Chính “nhân tai” đã làm cho “thiên tai” ngày càng nổi giận với chính chúng ta”, ông Sử nói.

ĐBSCL trước thách thức hạn, mặn, sạt lở nghiêm trọng: Nhiều doanh nghiệp còn thờ ơ với biến đổi khí hậu

Công ty CP đầu tư đa quốc gia IDI-Tập đoàn Sao Mai đã tiết kiệm 20% chi phí điện từ khi đầu tư 1 triệu USD để lắp pin năng lượng mặt trời áp mái nhà xưởng.

Thích ứng là giải pháp tốt nhất

Trong những ngày hạn mặn khốc liệt vừa qua, nhiều diện tích trồng lúa, cây ăn trái của người dân các huyện Tiểu Cần, Cầu Kè tỉnh Trà Vinh đã “né” mặn thành công nhờ hệ thống các phao quan trắc tự động trên sông Cổ Chiên. Chủ của công trình ấy là ông Nguyễn Thanh Mỹ, Việt kiều Canada, Chủ tịch Tập đoàn Mỹ Lan.

Không dừng lại ở đó, ông Mỹ còn nghiên cứu sản xuất ra bao bì đa cấp công nghệ cao có thể lưu trữ rau quả trong thời gian dài mà không cần hóa chất bảo quản; sản xuất phân bón thông minh vừa tiết kiệm lượng phân bón vừa giảm phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Phạm Ngọc Thạch, Phó ban Pháp chế VCCI, đại diện cho nhóm khảo sát ý kiến doanh nghiệp về “Tăng cường khả năng thích ứng của doanh nghiệp với rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu” do Ban pháp chế VCCI thực hiện cho thấy ý thức về ứng phó với BĐKH của doanh nghiệp đã dần dần được nâng lên.

Tuy nhiên, khi hình dung về BĐKH, thông thường giải pháp của đa số doanh nghiệp là chống lại sự biến đổi này, bằng việc gia cố nhà xưởng, thay đổi giờ làm việc, đào tạo lao động về ứng phó với rủi ro thiên tai, tham gia ứng cứu khắc phục, mua bảo hiểm mà chưa chú trọng đến các giải thích ứng.

Trong khi đó giải pháp thích ứng với những việc không cần to tác như: sản xuất sạch hơn, giảm thiểu rác thải, giảm khí thải nhà kín, sử dụng tài nguyên nguồn nước có trách nhiệm, trồng rừng phòng hộ phòng, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường…mới chính là giải pháp căn cơ bền vững.

Thời gian qua, trong một động thái quyết liệt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/CP về phát triển ĐBSCL thích ứng với BĐKH và Chính quyền địa phương đều nỗ lực triển khai các giải pháp. Một số tỉnh được sự hỗ trợ và tham gia trực tiếp vào các dự án trong nước. quốc tế về chống chịu thiên tai và BĐKH. Tuy vậy. những bước đi còn khá chậm. Hành động BĐKH chưa có sự phối hợp giữa các thành phần kinh tế, đặc biệt là những tác động đến phát triển kinh tế mà doanh nghiệp đóng vai trò chủ đạo”, ông Lam – Giám đốc VCCI Cần Thơ đánh giá.