Ảnh minh họa

Một số trường tổ chức học tập trực tuyến kết hợp với tuyên truyền thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh như đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn dưới vòi nước, không tụ tập đông người, hạn chế đi lại… Thực tế ở nhiều nơi, khi có sự cố xảy ra mới loay hoay tuyên truyền, hướng dẫn các kỹ năng cần thiết để trẻ em biết tự bảo vệ bản thân.

Hiện nay, tình hình biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường diễn ra ngày càng nghiêm trọng, việc xuất hiện nhiều thiên tai, dịch bệnh đã tác động không nhỏ tới cuộc sống của con người, trong đó trẻ em là nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất do dễ bị tổn thương về thể chất và tâm lý xã hội, chưa có đủ kiến thức và kỹ năng để ứng phó trước những biến cố xảy ra đột xuất. Vì vậy, việc giáo dục nâng cao nhận thức cho học sinh trong việc thích ứng, chủ động ứng phó với dịch bệnh, thảm họa, thiên tai là rất cần thiết. Việc lồng ghép các bài học sinh tồn, bảo vệ bản thân dưới dạng hình ảnh minh họa và các hoạt động ngoại khóa thực sự hữu ích, giúp trẻ chủ động tiếp thu một cách hiệu quả. Khi có kiến thức, học sinh không chỉ biết bảo vệ bản thân mà còn hỗ trợ, giúp đỡ những người khác trong gia đình, cộng đồng khi sự cố thiên tai, dịch bệnh xảy ra. Đã có nhiều chương trình giáo dục kỹ năng được tổ chức trong trường học đạt được kết quả tích cực như phòng, chống đuối nước, cháy nổ, tham gia giao thông bảo đảm an toàn…

Nhìn nhận từ đợt dịch bệnh này, ở một khía cạnh nào đó là lời nhắc nhở các cơ sở giáo dục cần quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục kỹ năng ứng phó với dịch bệnh một cách bài bản, khoa học, sát với tình hình thực tế. Mọi kỹ năng ứng phó đều xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống. Do vậy, cần chuẩn bị trước những kịch bản giúp học sinh chủ động sẵn sàng ứng phó. Chắc chắn sau đợt dịch bệnh này, học sinh, gia đình, nhà trường và toàn xã hội sẽ ý thức hơn trong việc giữ gìn sức khỏe, phòng chống lây lan dịch bệnh truyền nhiễm, xây dựng nếp sống lành mạnh, văn minh, tích cực bảo vệ môi trường… Nhiều hành động đơn giản như giữ vệ sinh cá nhân, ăn uống khoa học, có ý thức trong sinh hoạt tập thể dần trở thành kỹ năng tự nhiên hình thành trong lối sống của học sinh mà không cần để nhắc nhở.

Dịch bệnh, thiên tai, thảm họa là điều không ai mong muốn xảy ra, nhưng nó đến với con người bất cứ lúc nào. Điều quan trọng là mỗi chúng ta cần chủ động để sẵn sàng ứng phó với những sự cố đó. Nhưng những kỹ năng cơ bản không phải tự nhiên có được mà cần sự phối hợp giáo dục từ nhà trường, gia đình và cả xã hội. Đặc biệt, trẻ em cần được quan tâm và tăng cường giáo dục kỹ năng thích ứng nhiều hơn nữa. Vậy nên sau mỗi sự cố xảy ra, các trường  học cần đẩy mạnh việc giáo dục cho học sinh kỹ năng đối phó và học cách bảo vệ bản thân. Nhiều bài học được rút ra sau dịch bệnh cần phải tiếp tục được thực hiện, tránh tính trạng hết dịch lại thôi. Giáo dục học sinh nâng cao kỹ năng ứng phó với những sự cố xảy ra là thiết thực góp phần bảo vệ các em, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, giúp các em học tập, phát triển toàn diện.

Nguồn: ĐỨC NAM – Báo Quân đội nhân dân