31 C
Hue
15/10/24
Trang chủTin tức & Sự kiệnHội nghị COP26: Nhiều nước kêu gọi gây quỹ đền bù thiệt...

Hội nghị COP26: Nhiều nước kêu gọi gây quỹ đền bù thiệt hại do biến đổi khí hậu

Idai và Kenneth – hai cơn bão lớn kèm lốc xoáy đổ bộ vào bờ biển Mozambique hồi tháng 3/2019 – đã khiến hơn 250.000 người mất nhà ở, trong khi khoảng 1,2 triệu người lâm vào cảnh thiếu thốn thuốc men, thực phẩm và không được tiếp cận các điều kiện vệ sinh cơ bản. 
Hội nghị COP26: Nhiều nước kêu gọi gây quỹ đền bù thiệt hại do biến đổi khí hậu
Bão Idai gây ngập lụt nghiêm trọng ở nhiều tỉnh miền Trung Mozambique. Ảnh: Đình Lượng/TTXVN

 

Mozambique đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ 3 tỷ USD để giúp nước này xây dựng lại cơ sở hạ tầng, đảm bảo các nguồn cung nhu yếu phẩm, đồng thời xử lý các ổ dịch bệnh lây truyền qua đường nước. Tuy nhiên, thay vì khoản tiền mong muốn trên, nước này chỉ nhận được khoản vay 120 triệu USD do Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cung cấp và phải mất nhiều tháng nữa trước khi tiếp nhận thêm các nguồn tài chính khác.

Mặc dù vậy, ông Daniel Ribeiro – một điều phối viên kỹ thuật tại tổ chức Justica Ambiental/Những người bạn của Trái Đất tại Mozambique – cho biết: “Đó mới chỉ là một phần nhỏ trong những gì cần thiết. Chúng ta đang nói về những tổn thương xã hội không thể chữa lành. Tiền bạc cũng không thể bù đắp hết được. Chúng ta không thể thích ứng với những gì đã và đang xảy ra”.

Khi các quốc gia bắt đầu đàm phán về Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP) cách đây hơn 30 năm, biến đổi khí hậu vẫn còn được coi là một vấn đề của tương lai.

Năm 2009, các quốc gia giàu có – vốn là những nước chịu trách nhiệm về mặt lịch sử đối với phần lớn lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính – cam kết cung cấp 100 tỷ USD mỗi năm vào năm 2020, để hỗ trợ các nước nghèo hơn khắc phục hậu quả của tình trạng biến đổi khí hậu. Khoản tài chính này được dành cho hai nhiệm vụ: giảm thiểu hoặc giúp các quốc gia hạn chế sự ấm dần lên của Trái Đất thông qua nền kinh tế trung hòa carbon và điều chỉnh, giúp đỡ các nước này lên kế hoạch ứng phó với các kịch bản nước biển dâng cao và những trận mưa lớn trong những thập kỷ tới.

Tính tới thời điểm này, nhiệt độ Trái Đất mới chỉ tăng thêm 1,1 độ C, nhưng các quốc gia trên thế giới đã bị tàn phá nặng nề trong các đợt thời tiết khắc nghiệt; các thảm họa liên quan khí hậu đã khiến hàng chục triệu người phải di dời nơi ở và gây thiệt hại tài sản lên tới hàng trăm tỷ USD. Thế nhưng, việc gây quỹ đền bù cho các thiệt hại này thậm chí còn không được đưa vào chương trình nghị sự chính thức của Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP26), đang diễn ra tại Glasgow (Vương quốc Anh).

Ông Harjeet Singh – cố vấn cấp cao của Mạng lưới Hành động khí hậu quốc tế – cho rằng: “Mất mát và thiệt hại do biến đổi khí hậu không thể là một vấn đề phụ. Chúng ta nhận thấy những tác động đối với các cộng đồng dễ bị tổn thương ở các nước nghèo đang diễn ra ngay cả khi những cuộc đàm phán này đang được thực hiện. Các quốc đảo nhỏ đang kêu gọi hỗ trợ tài chính để giúp người dân khắc phục hậu quả tàn khốc của những cơn bão và nước biển dâng. Đã đến lúc các quốc gia giàu có chấm dứt các cuộc thảo luận mang tính tham khảo và đưa ra những tuyên bố sáo rỗng, mà hãy thể hiện chúng bằng những hành động thực tế và những khoản tài chính thực tế tại Glasgow”.

Khoản chi 100 tỷ USD mỗi năm được cam kết cho việc thích ứng với khí hậu và giảm thiểu thiệt hại thiên tai rốt cuộc cũng sẽ được sẵn sàng triển khai từ năm 2022 hoặc 2023, dù muộn hơn vài năm so với lộ trình đã hoạch định trước đó. Tuy nhiên, con số này không thấm vào đâu so với những mất mát và thiệt hại do thiên tai gây ra.

Các nghiên cứu cho thấy thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra có thể lên tới 500 tỷ USD/năm vào năm 2030. Trong khi đó, một phân tích của tổ chức từ thiện Christian Aid công bố ngày 8/11 cho thấy 65 quốc gia dễ bị tổn thương nhất trong các đợt thiên tai có thể bị sụt giảm Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trung bình 20% vào năm 2050.

Với Luxembourg và Jamaica đi tiên phong, các quốc gia tham dự COP26 đang thúc đẩy thành lập một cơ sở tài trợ do LHQ quản lý, trong đó các quốc gia lập tức bắt tay vào việc khắc phục thảm họa. Hai quốc đảo có nguy cơ biến mất do nước biển dâng là Antigua và Barbuda cùng Tuvalu cũng đã thành lập một ủy ban mới thuộc LHQ, theo đó có thể khởi kiện các nước gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới.
Ông Abul Kalam Azad – một chuyên gia kỳ cựu người Bangladesh về các cuộc đàm phán khí hậu – cho biết việc các nước giàu không thể đáp ứng con số 100 tỷ USD đã làm xói mòn niềm tin tại COP26. Ông nhấn mạnh con số này “không dựa trên nhu cầu, mà là chính trị”. Theo báo cáo năm 2020 của tổ chức Oxfam, các quốc gia đã “thổi phồng” về mức đóng góp của họ cho tài chính khí hậu và hầu hết được cung cấp dưới dạng cho vay không ưu đãi.

Ông Aiyaz Sayed-Khaiyum – Bộ trưởng Kinh tế và biến đổi khí hậu của Fiji –  nhấn mạnh rằng tổn thất và thiệt hại tài chính phải được “bổ sung và tách biệt” với khoản 100 tỷ USD đã cam kết trước đó. Theo ông, giống như Mozambique, sau các cơn bão Idai và Kenneth, nhiều quốc gia đã buộc phải chấp nhận các khoản vay để giúp phục hồi sau những biến cố khắc nghiệt và điều đó đã khiến các nước này sa lầy trong các khoản nợ khí hậu.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Hình ảnh

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN MỚI NHẤT