Theo NOAA, dữ liệu đo được từ Đài quan sát Mauna Loa ở Hawaii cho thấy nồng độ CO2 trong khí quyển trong tháng 5/2021 ở mức trung bình là 419 phần triệu (ppp), tăng so với 417ppm trong tháng 5/2020.
Nhà khoa học cấp cao thuộc Phòng thí nghiệm giám sát toàn cầu của NOAA, ông Pieter Tans nói: “Chúng ta đang thải thêm gần 40 tỷ tấn khối khí CO2 vào bầu khí quyển mỗi năm. Lượng khí thải này xuất phát từ việc chúng khai thác tài nguyên ở Trái đất, đốt chúng và thải vào bầu khí quyển từ năm nay sang năm khác. Nếu chúng ta muốn tránh được thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra, thì ưu tiên hàng đầu phải là giảm lượng khí thải CO2 gây ô nhiễm trong thời gian sớm nhất có thể”.
Theo NOAA, đại dịch COVID-19 khiến nhiều quốc gia trên thế giới hạn chế đi lại và áp đặt biện pháp phong tỏa và hạn chế, hầu như không tác động đến lượng khí thải gây hiệu ứng đang gia tăng hiện nay.
CO2 là khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhiều nhất do con người tạo ra. Sau khi được phát thải, khí CO2 tồn tại trong khí quyển và đại dương trong hàng nghìn năm.
Con người phát thải khí CO2 từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu mỏ) được sử dụng trong giao thông vận tải, phát điện, xây dựng, chặt phá rừng, làm nông nghiệp…
Khí thải gây hiệu ứng nhà kính cản bức xạ nhiệt từ Trái đất vào vũ trụ, do vậy, góp phần làm cho Trái đất ấm lên.
Mặc dù nồng độ CO2 từ tháng 5/2020 đến tháng 5/2021 đã tăng 1,8% so với một năm trước đó, song trong 5 tháng đầu năm nay đã ghi nhận mức tăng trung bình là 2,3ppm, gần với mức tăng thường niên được ghi nhận trong giai đoạn từ năm 2010-2019.
Kể từ tháng 5/2013 đến nay, nồng độ tập trung CO2 trong khí quyển luôn vượt trên 400ppm.
Các mức hiện nay có thể so sánh với nồng độ CO2 trong giai đoạn gọi là kỷ Pliocen – kỷ nguyên thứ hai trong Thời kỳ Neogen trong đại Tân Sinh, cách đây từ 4,1-4,5 triệu năm trước.
Khi đó, mực nước biển cao hơn mực nước biển hiện nay 23,5m và nhiệt độ trung bình ấm hơn 4 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp và các khu rừng lớn từng chiếm cứ tại nơi mà ngày nay là vùng lãnh nguyên Bắc Cực./.