Theo C3S, nhiệt độ trong tháng 3/2020 đã tăng 0,68 độ C so với nhiệt độ trung bình của tháng 3 thống kê từ năm 1981 đến năm 2010 và tương đương nhiệt độ của tháng 3/2017 và 2019 – thời gian ghi nhận nhiệt độ nóng thứ 2 sau kỷ lục về nóng của tháng 3/2016. C3S nêu rõ nhiệt độ toàn châu Âu đã tăng gần 2 độ C so với nhiệt độ trung bình được theo dõi.
Hiện nhiệt độ toàn cầu đã tăng hơn 1 độ C kể từ thời kỳ cách mạng công nghiệp do lượng khí thải sản sinh từ hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch của con người liên tục tăng cao bất chấp cảnh báo của giới khóa học.
5 năm qua cũng là 5 năm nóng kỷ lục của trái đất và năm 2019 là năm nóng nhất trong lịch sử cùng với năm 2016 – thời điểm nhiệt độ toàn thế giới tăng cao do hiện tượng El Nino.
Điều đáng lo ngại mà C3S đề cập trong báo cáo là việc Nga là quốc gia ghi nhận nền nhiệt đặc biệt tăng cao. Các tầng đất đóng băng vĩnh cửu ở Nga và trong các khu vực rừng ở Canada hiện “lưu giữ” tới 1.500 tấn CO2, gấp 40 lần lượng khí thải sản sinh hàng năm toàn thế giới. Do đó, việc nhiệt độ tại Nga tăng cao sẽ đẩy nhanh tốc độ tan chảy của các tầng đất đóng băng vĩnh cửu này và dẫn đến hiện tượng lượng khí thải từ chính các tầng băng đó phát thải ra ngoài sẽ ngày càng gia tăng, khiến tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu thêm trầm trọng.
Nguồn: Thời báo tài chính