Mùa hè năm nay, một số nước trên thế giới đã phải chịu thiệt hại nặng nề do ảnh hưởng của nắng nóng kỷ lục, những trận lũ lụt kinh hoàng, cháy rừng… Đó là dấu hiệu cho thấy những thảm họa thiên nhiên đang ngày càng trở nên dồn dập và khắc nghiệt hơn.
Từ lâu, các nhà khoa học khí hậu đã cảnh báo rằng, thế kỷ 21 sẽ chứng kiến nhiều thảm họa thiên nhiên do biến đổi khí hậu (BĐKH). Theo AFP, một loạt hiện tượng thời tiết cực đoan, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và cướp đi sinh mạng của con người trong mùa hè này khiến năm 2021 trở thành năm mà những dự báo trên trở thành hiện thực.
Thổ Nhĩ Kỳ đang trải qua đợt cháy rừng tồi tệ nhất trong vòng một thập kỷ qua với gần 95.000ha bị thiêu rụi. Trong khi mức trung bình cùng kỳ các năm từ 2008-2020 là 13.516ha. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố các hình ảnh vệ tinh cho thấy mức độ thiệt hại với các khu vực rừng chuyển sang màu đen và những đám khói mù mịt bao phủ khắp đất nước. Gió mạnh và thời tiết nắng nóng là những nguyên nhân chính khiến các đám cháy rừng hoành hành trong nhiều ngày qua ở các tỉnh Antalya và Mugla của Thổ Nhĩ Kỳ.
Quốc gia láng giềng Hy Lạp cũng phải đối mặt với đợt nắng nóng tồi tệ nhất từ năm 1987. Có khu vực ghi nhận nhiệt độ lên tới 46oC. Giữa cái nắng như thiêu như đốt, hơn 3.000ha rừng thông và ô liu đã bị thiêu rụi khi một ngọn lửa bùng phát cuối tháng 7 vừa qua gần thành phố Patras, cách thủ đô Athens của Hy Lạp 200km về phía Tây. Miền Tây Canada và Tây Bắc Mỹ cũng trải qua những ngày “đổ lửa” với các mức nhiệt cao chưa từng có, khiến nhiều người tử vong trong tháng 6 vừa qua. Cùng với nắng nóng gay gắt, các vụ cháy rừng trên diện rộng đã tàn phá một số khu vực ở Bắc Mỹ. Trong khi đó, tại khu vực Tây Âu, giữa tháng 7, những trận lụt lịch sử do mưa lớn đã khiến nhiều ngôi làng bị tàn phá và ít nhất 209 người thiệt mạng ở Đức và Bỉ cùng hàng trăm người mất tích. Cùng tháng, tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc đã bị thiệt hại nặng nề về người và của trong trận mưa lớn gây lũ lụt kinh hoàng.
Lực lượng cứu hỏa nỗ lực dập tắt các đám cháy rừng ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Reuters |
Trong bối cảnh những hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng xảy ra thường xuyên và gay gắt hơn, Liên hợp quốc (LHQ) gần đây đã hối thúc các nước trên thế giới cần hành động nhiều hơn để chống BĐKH. Thư ký điều hành Công ước khung của LHQ về BĐKH (UNFCCC) Patricia Espinosa cho rằng, các quốc gia tham gia ký kết Hiệp định Paris về BĐKH cần đề ra các mục tiêu khí hậu tham vọng hơn. Theo bà Espinosa, các đợt nắng nóng, hạn hán và lũ lụt nghiêm trọng gần đây trên toàn thế giới là lời cảnh báo rằng, các nước không được phép chần chừ, cần hành động quyết liệt hơn nữa để đạt các mục tiêu khí hậu đã đề ra.
Trước đây, BĐKH thường tác động tới những nơi hẻo lánh như Bắc Cực, nơi mà gấu Bắc Cực không còn môi trường băng để săn mồi, hoặc ở những nước đang phát triển. Nhưng giờ đây, tới lượt các nước giàu “ngấm đòn” của BĐKH. Chứng kiến lũ lụt càn quét Tây Âu, nhấn chìm các ngôi nhà, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói: “Chúng ta phải khẩn trương, nhanh hơn trong chống BĐKH”. Một số nước phát triển như Mỹ đã cam kết cắt giảm nhiều hơn lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và kêu gọi các nước cùng nỗ lực chống BĐKH. Liên minh châu Âu (EU) cũng công bố bản dự thảo kế hoạch chống BĐKH đầy tham vọng nhằm đáp ứng cam kết trung hòa carbon vào năm 2050. Kế hoạch mang tên “Fit for 55” do Ủy ban châu Âu (EC) soạn thảo gồm hàng chục dự thảo văn bản luật nhằm chuyển đổi nền kinh tế châu Âu từ phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch sang một nền kinh tế có mức ô nhiễm thấp và phương tiện giao thông chạy bằng pin.
Dự kiến, Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của LHQ về BĐKH (COP26) sẽ diễn ra vào tháng 11 tới tại thành phố Glasgow, Scotland. Đây sẽ là dịp để các quốc gia thảo luận về cách kiềm chế lượng khí thải nhằm ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất mà BĐKH gây ra, góp phần xây dựng một tương lai sạch hơn, xanh hơn và bền vững hơn. Giáo sư Richard Betts tại Đại học Exeter (Anh) nhận định: “Chúng ta phải thích ứng với sự thay đổi mà chúng ta tạo ra và tránh làm thay đổi thêm bằng cách giảm lượng khí thải”.