Ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phát biểu tại Hội nghị |
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), tính đến ngày hết ngày 18/5, thiên tai trên cả nước đã làm 15 người chết, 85 người bị thương, 1.685 ngôi nhà sập đổ hoàn toàn và 54.269 ngôi nhà bị hư hại. Hơn trăm nghìn ha lúa và hoa màu bị thiệt hại. Ước tính thiệt hại kinh tế là trên 3.200 tỷ đồng.
Điểm qua tình hình thiên tai từ đầu năm đến nay và công tác ứng phó của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, ông Nguyễn Hải Anh, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Trung ương Hội cho biết: Các hiện tượng thời tiết cực đoan đã liên tục xảy ra trên cả nước. Điển hình là các tỉnh miền núi phía Bắc liên tục chịu ảnh hưởng của nhiều đợt mưa đá, giông lốc, ảnh hưởng tính mạng người dân, gây thiệt hại về tài sản lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung, Tây Nguyên bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán và xâm nhập mặn, hơn 80.000 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, đến nay đã có 5 tỉnh công bố tình trạng khẩn cấp về hạn hán và xâm nhập mặn. Bên cạnh đó, đại dịch COVID-19 bùng lan ở 214 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới (trong đó có Việt Nam) với diễn biến phức tạp, số ca tử vong cao, ảnh hưởng trầm trọng đến kinh tế-xã hội của toàn thế giới.
Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) phát biểu tại Hội nghị |
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động, kịp thời hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng thiên tai, hạn hán và xâm nhập mặn, người dân và các địa phương bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID 19, đồng thời thực hiện trợ giúp quốc tế với tư cách là thành viên Phong trào, với tổng trị giá tiền và hàng hỗ trợ cho công tác ứng phó thiên tai, dịch bệnh từ đầu năm 2020 của các cấp Hội đạt trên 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, diễn biến phức tạp, khó lường và tác động ngày càng nghiêm trọng của thiên tai, dịch bệnh đòi hỏi các cấp Hội, hội viên, tình nguyện viên, nhất là lực lượng Đội ứng phó thảm họa các cấp phải được chuẩn bị kỹ về mọi mặt để có thể sẵn sàng ứng phó với bất kỳ tình huống nào.
Hội nghị đã tập trung đánh giá kết quả phòng ngừa, ứng phó thảm họa của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong năm 2019, những điểm mạnh, hạn chế, chia sẻ những bài học kinh nghiệm, mô hình hiệu quả của Hội Chữ thập đỏ các tỉnh/thành phố, các tổ chức trong Phong trào, các tổ chức trong nước và quốc tế. Các đại biểu cũng thảo luận các giải pháp phòng ngừa ứng phó thảm họa của Hội trong thời gian tới.
Theo đó, từ nay đến cuối năm 2020, công tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam sẽ tập trung phát triển một số công cụ như: Tài liệu quản lý thảm họa, nhân rộng ra một số tỉnh mô hình “Tài chính dựa vào dự báo với mô hình nắng nóng và tiếp tục áp dụng với loại hình bão”; Phát triển mô hình cấp phát tiền mặt theo xu thế cấp phát tiền qua đơn vị tài chính thứ ba và đa dạng hóa loại hình hỗ trợ và hình thức cấp phát như là: phiếu, hội chợ, gian hàng nhân đạo…
Các cấp hội tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý hộ hưởng lợi, giám sát và đánh giá sau cấp phát, thu thập thông tin thiệt hại nhu cầu, thông tin cảnh báo trong các hoạt động ứng phó khẩn cấp. Đồng thời, triển khai các can thiệp khẩn cấp tại cộng đồng tập trung vào 4 lĩnh vực: nước sạch vệ sinh, nhà/chỗ ở an toàn, sinh kế và sức khoẻ/y tế. Đối với vấn đề dịch bệnh, triển khai các nguồn ủng hộ hỗ trợ công tác phục hồi sớm, hỗ trợ sinh kế đối với người dân bị mất nguồn thu nhập.
Quang cảnh hội nghị |
Trong khuôn khổ Hội nghị, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hiệp hội Chữ thập đỏ – Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, Ủy ban Quốc tế Chữ thập đỏ và Hội chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ quốc gia đã ký kết Thỏa thuận hợp tác về công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai, thảm họa.
Ông Christopher Rasi, Trưởng đại diện Hiệp hội Chữ thập đỏ/Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khu vực Đông Nam Á khẳng định cam kết của Hiệp hội sẽ cùng đồng hành với Hội chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện các giải pháp hỗ trợ các cộng đồng dễ bị tổn thương do dịch bệnh, thiên tai, đặc biệt là các hoạt động ứng phó hạn hán hiện nay và mùa mưa bão sắp tới.
Hiệp hội cũng hỗ trợ tăng cường năng lực mua sắm hậu cần, mua sắm nhân đạo, thiết lập trung tâm mua sắm nhân đạo tại Việt Nam; xây dựng các công cụ ứng phó và cơ chế đánh giá nhu cầu trong tình huống khẩn cấp, thu thập và chia sẻ thông tin dữ liệu tới các đội ứng phó khẩn cấp trên toàn cầu; hỗ trợ kinh phí từ quỹ hỗ trợ toàn cầu trong tình huống khẩn cấp… Đây là những nền tảng để Việt Nam có thể giải đồng thời các thách thức chính do thiên tai một cách bền vững.
Nguồn: Khánh Ly – Báo Tài nguyên môi trường