31 C
Hue
23/11/24
Trang chủTin tức & Sự kiệnTrước tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu, các Nghị...

Trước tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu, các Nghị viện cần hành động mạnh mẽ

Tối 19-8, theo giờ Hà Nội, diễn ra Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ năm. Phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề về “Thúc đẩy hành động của Nghị viện đối với tình trạng khẩn cấp biến đổi khí hậu”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bày tỏ chia sẻ sâu sắc với các Chủ tịch Quốc hội các nước, đều rất quan tâm thực trạng biến đổi khí hậu càng trở nên cấp bách hơn trong bối cảnh thế giới đối mặt với đại dịch Covid-19 đang gây ra hậu quả nghiêm trọng.
Trước tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu, các Nghị viện cần hành động mạnh mẽ
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: HOÀNG QUỲNH)

Theo Chủ tịch Quốc hội, Việt Nam là một trong năm quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Trong những năm qua, Quốc hội Việt Nam luôn đồng hành cùng Chính phủ thông qua việc hoàn thiện hệ thống luật pháp trong nước về môi trường; dành nguồn lực thỏa đáng đối với việc triển khai các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Việt Nam phê chuẩn và thực hiện nghiêm túc Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), Nghị định thư Kyoto và Thỏa thuận Paris.

Tháng 5-2017, Quốc hội Việt Nam đã phối hợp IPU tổ chức Hội nghị chuyên đề về “Ứng phó với biến đổi khí hậu – Hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững”.

Để thúc đẩy hơn nữa hành động của Nghị viện đối với tình trạng khẩn cấp biến đổi khí hậu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu một số đề xuất: Các Nghị viện cần tiếp tục hành động mạnh mẽ thông qua chức năng xây dựng pháp luật, giám sát, phê chuẩn các văn kiện quốc tế về ứng phó với biến đổi khí hậu; tăng cường phối hợp IPU, xem xét thực hiện các khuyến nghị trong Chương trình hành động nghị viện về Biến đổi khí hậu của IPU phù hợp trình độ và nhu cầu phát triển của mỗi quốc gia.

Thúc đẩy ban hành chính sách đổi mới, tái cấu trúc nền kinh tế phù hợp với xu hướng phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn để giảm thiểu các tác hại của biến đổi khí hậu về chính trị, kinh tế, xã hội đồng thời ban hành các chính sách xã hội nhằm bảo vệ an sinh xã hội, những người yếu thế trong đó có phụ nữ, trẻ em và các đối tượng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.

Nghị viện các nước cũng cần tiếp tục phân bổ nguồn lực phù hợp, tăng cường giám sát, triển khai các hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu.

Đồng thời, kêu gọi các tổ chức quốc tế, các quốc gia phát triển tăng cường hỗ trợ các quốc gia đang phát triển triển khai các giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn còn tiếp diễn nghiêm trọng.

Tối nay, ngay sau phiên khai mạc, các đại biểu Quốc hội Việt Nam và quốc tế nghe các báo cáo chuyên đề về Hiện thực hóa bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái: Thực tiễn và các cam kết của nghị viện; Thúc đẩy sự tham gia của thanh niên vào chính trị và nghị viện: từ lời nói đến hành động; Thập kỷ  hành động để đạt được Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững.

Đồng thời các nhà lãnh đạo Quốc hội/nghị viện các nước tham gia thảo luận về chủ đề “Thúc đẩy hành động của nghị viện: Trường hợp khẩn cấp về biến đổi khí hậu” và “Dịch chuyển thể nhân để theo đuổi một cuộc sống tốt đẹp hơn – Các thách thức, cơ hội và giải pháp”.

Ban tổ chức cho biết, Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần đầu tiên diễn ra vào tháng 8-2000 tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, chỉ vài ngày trước Hội nghị thượng đỉnh Thiên niên kỷ của các nguyên thủ quốc gia và chính phủ. Hội nghị kết thúc với Tuyên bố mang tên Tầm nhìn của Nghị viện về hợp tác quốc tế vào bình minh của Thiên niên kỷ thứ ba.

Với tuyên bố này, các Chủ tịch Quốc hội cam kết bản thân và các Quốc hội sẽ hợp lực với Liên hợp quốc để giúp giải quyết những thách thức to lớn mà cộng đồng thế giới đang phải đối mặt.

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ hai diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc tại New York, ngày 7-9-2005, với chủ đề Thu hẹp khoảng cách dân chủ trong quan hệ quốc tế: Vai trò mạnh mẽ hơn của nghị viện.

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ ba diễn ra tại Văn phòng Liên hợp quốc tại Geneva, từ ngày 19 đến 21-7-2010, với chủ đề về Nghị viện trong một thế giới khủng hoảng: Bảo đảm trách nhiệm dân chủ toàn cầu vì lợi ích chung.

Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ tư diễn ra tại trụ sở Liên hợp quốc tại New York, từ ngày 31-8 đến ngày 1-9-2015, với chủ đề Đặt nền dân chủ phục vụ hòa bình và phát triển bền vững: Xây dựng thế giới mà mọi người mong muốn.

Nguồn: VĂN CHÚC – Ảnh : HOÀNG QUỲNH – Báo nhân dân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Hình ảnh

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN MỚI NHẤT