31 C
Hue
10/11/24
Trang chủTin tức & Sự kiệnTừng bước xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam

Từng bước xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam

Ngày 25/6, tại Vĩnh Phúc, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức Hội thảo “Vai trò của định giá cac-bon, các công cụ dựa vào thị trường, tiềm năng đóng góp trong việc thực hiện NDC và khả năng áp dụng ở Việt Nam”.
Đây là một trong những hoạt động của Dự án “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các bon tại Việt Nam” (Dự án VNPMR) do WB hỗ trợ, nhằm thảo luận các định hướng vĩ mô liên quan đến nội hàm trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các bon.
Từng bước xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam

TS Tăng Thế Cường – Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT) phát biểu tại hội thảo

Hội thảo có sự tham gia của ông Rahuh Kitchlu, Trưởng ban Năng lượng của Ngân hàng Thế giới; GS.TS Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn quốc gia về BĐKH; TS Tăng Thế Cường – Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ TN&MT); đại diện Văn phòng Quốc hội, các đơn vị thuộc Bộ TN&MT và các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Xây dựng, các đối tác phát triển và một số doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực BĐKH.
Phát biểu tại hội thảo, ông Tăng Thế Cường, Phó trưởng Ban chỉ đạo Dự án VNPMR, Cục trưởng Cục BĐKH cho biết: Việt Nam đã tham gia Thỏa thuận Paris và sẽ thực hiện trách nhiệm quốc gia trong ứng phó với BĐKH toàn cầu, chủ yếu thông qua Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC), bao gồm những cam kết đóng góp bắt buộc về giảm phát thải khí nhà kính.
Định giá các-bon là một trong những phương thức để đạt được các mục tiêu về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong NDC. Đến nay, đã có 96/185 quốc gia, trong đó có Việt Nam áp dụng.
Từng bước xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam

Ông Rahuh Kitchlu, Trưởng ban Năng lượng của Ngân hàng Thế giới phát biểu tại hội thảo

Sớm nhận thức được vai trò của định giá các-bon, Việt Nam đã tham gia Chương trình Sẵn sàng tham gia thị trường các-bon (PMR) từ năm 2012 và triển khai dự án “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam” (VNPMR) từ năm 2015. Qua 5 năm, dự án đã cơ bản hoàn thành, là bước chuẩn bị quan trọng để Việt Nam tiến tới hình thành và phát triển thị trường các-bon trong nước cũng như tham gia thị trường các-bon thế giới.
Các nghiên cứu thí điểm trong khuôn khổ Dự án cho thấy cần có đầu tư thích đáng vào hệ thống thu thập, quản lý dữ liệu về kiểm kê khí nhà kính, giảm nhẹ phát thải. Việc huy động nguồn vốn đầu tư để tham gia thị trường các-bon cần được thực hiện trên cơ sở nội lực của doanh nghiệp đồng hành với chính sách hỗ trợ của Chính phủ và thực hiện theo lộ trình cụ thể.
Thông qua quá trình thực hiện, Dự án đã góp phần nâng cao nhận thức của các cơ quan đầu mối của các Bộ, ngành, khối doanh nghiệp và các bên liên quan về định giá các-bon, thị trường các-bon.
Quan trọng hơn cả, Dự án đã góp phần cụ thể hóa cơ chế, chính sách về định giá các-bon và thị trường các-bon ở Việt Nam. Theo đó, từ một quy định chung về hình thành và phát triển thị trường các-bon trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng một Điều quy định khá chi tiết về “Định giá các-bon và phát triển hệ thống trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon trong nước” trong dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi đã trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 6 vừa qua. Các Bộ ngành có liên quan tham gia dự án cũng sẽ có những đóng góp chính sách theo mục tiêu của Dự án đề ra trong thời gian tới.
Từng bước xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam

Các đại biểu tham dự hội thảo

Theo ông Rahuh Kitchlu, Trưởng ban Năng lượng của Ngân hàng Thế giới, việc áp dụng định giá các bon sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp tư nhân chung tay vì mục tiêu các bon thấp của Việt Nam. Chính phủ cung cấp một cơ chế thị trường để các cơ sở phát thải quyết định chuyển đổi hoạt động và giảm lượng phát thải, hoặc tiếp tục phát thải và trả tiền cho lượng khí thải đã thải ra. Nếu được thiết kế tốt, công cụ này sẽ tăng nguồn thu cho Chính phủ để thực hiện các hành động giảm nhẹ với chi phí hiệu quả, phát triển xanh và hỗ trợ cộng đồng dễ bị tổn thương.
Tại hội thảo, các đại biểu đã chia sẻ nhiều nội dung về vai trò của định giá các bon và áp dụng công cụ thị trường đối với chính sách giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tại Việt Nam; các hoạt động thúc đẩy định giá các bon và vai trò tiềm năng của khối tư nhân. Đại diện Bộ Tài chính trình bày về định hướng xây dựng cơ chế tài chính đối với các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính hướng tới áp dụng công cụ định giá các bon ở Việt Nam. Bộ Công Thương và Bộ Xây dựng có những chia sẻ về tiềm năng giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực sản xuất thép và chất thải rắn.
Từng bước xây dựng thị trường các-bon tại Việt Nam

Quang cảnh hội thảo

Thảo luận tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng và vận hành thị trường các-bon còn là một quá trình dài, đòi hỏi đầu tư nhiều về kỹ thuật, nhân lực và tài chính. Do vậy, để hình thành và phát triển thị trường các bon ở Việt Nam, một số nội dung ưu tiên cần tiếp tục được triển khai đồng bộ như xây dựng, ban hành hệ thống kiểm kê khí nhà kính, hệ thống giám sát phát thải khí nhà kính và hệ thống MRV cấp quốc gia/ngành/tiểu ngành/cơ sở sản xuất một cách minh bạch, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế; xác định lộ trình giảm phát thải khí nhà kính cho từng ngành/tiểu ngành…
Khi áp dụng dụng các công cụ định giá các bon như thuế các bon, hệ thống giao dịch phát thải, cơ chế tạo tín chỉ cần phải đánh giá, phân tích đầy đủ các tác động cũng như cơ hội đối với kinh tế, xã hội và môi trường. Từ đó, lựa chọn công cụ định giá các bon phù hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Nguồn: Khánh LyBáo Tài nguyên môi trường

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Hình ảnh

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN MỚI NHẤT