31 C
Hue
15/10/24
Trang chủTin tức & Sự kiệnÝ tưởng sáng tạo ngôi nhà thách đố với thiên tai

Ý tưởng sáng tạo ngôi nhà thách đố với thiên tai

Chưa học hết cấp 3 nhưng với óc sáng tạo và lối thiết kế thông minh,  anh Lương Văn Nâu (Tây Ninh) đã sáng tạo ra ngôi nhà thách đố với thiên tai, bão lũ…
Đây là một trong những ý tưởng đạt giải khuyến khích Cuộc thi “Thiết kế nhà ở an toàn – cộng đồng bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực ven biển” năm 2019 do Quỹ Khí hậu xanh (GCF), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Chính phủ Việt Nam hỗ trợ.
Ý tưởng sáng tạo ngôi nhà thách đố với thiên taiAnh Lương Văn Nâu nhận giải khuyến khích Cuộc thi “Thiết kế nhà ở an toàn – cộng đồng bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực ven biển” năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Cuộc thi có sự hợp tác và phối hợp chặt chẽ của Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng, UNDP và các tỉnh ven biển nhằm thu nhận thêm đóng góp trí tuệ và kinh nghiệm từ các chuyên gia trong ngành và các công dân trên mọi miền Tổ quốc; chắt lọc những sáng kiến khả thi và phù hợp để áp dụng trong tương lai, nhằm mang đến cho người dân khu vực ven biển cuộc sống an toàn, hạnh phúc và bền vững…
Để tìm hiểu rõ hơn về chủ nhân của giải thưởng có tính cộng đồng này, chúng tôi về xã Phước Minh, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp anh Lương Văn Nâu đó là một người đàn ông dáng người cao, nước da cháy nắng và rất hoạt bát.
Ý tưởng sáng tạo ngôi nhà thách đố với thiên taiAnh Lương Văn Nâu bên những người đạt giải năm 2019. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Đang mày mò hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để hoàn thành mô hình trình diễn ngôi nhà đa năng chống chọi mọi thiên tai, anh Nâu chia sẻ: Với 25 năm kinh nghiệm trong nghề xây dựng, nhiều năm tháng chứng kiến cảnh hàng vạn ngôi nhà của người dân nghèo, nhất là ở vùng nông thôn bị bão, lũ nhấn chìm khiến họ lâm cảnh khốn cùng, trong lòng anh nung nấu ý tưởng thiết kế những căn nhà giá rẻ nhất nhưng hiệu quả chống bão lũ cao nhất.
Anh Nâu lấy cảm hứng từ ngôi nhà sàn bởi trong lúc có lũ lụt, thông thường sàn nhà cao hơn mức nước lũ nên không bị ngập lụt, phía dưới nhà sàn thường không ngăn vách nên ít có vật cản nước và giảm nguy cơ đổ sập nhà khi lũ quét. Từ đó, anh thiết kế nhà bán kiên cố với phần sàn hoàn toàn cơ động.
Ý tưởng sáng tạo ngôi nhà thách đố với thiên taiAnh Nâu đang hoàn thiện mô hình mô phỏng ngôi nhà thách đố bão lũ. Ảnh: Trần Trung.
Theo đó, sàn được thiết kế trượt đứng theo cột, phần sàn kết nối với phần trần nhà bằng dây xích, dây cáp hoặc dây thừng, tùy vào trọng tải của sàn kết hợp với cơ khí như: Sàn nâng bằng tời điện, ròng rọc hoặc cao cấp hơn nữa là sàn tải nặng sử dụng điện, bơm thủy lực… Trong điều kiện bình thường, ngôi nhà này hoạt động như ngôi nhà trệt. Khi lũ lụt đến chỉ cần kéo tời hoặc xích để treo sàn lên qua khỏi mực nước lũ mà không ảnh hưởng đến nội thất bên trong. Đối với vách nhà cũng được xây dựng theo kiểu lắp ráp bằng cách ghép nối những mảng tường bê tông bằng bu lông (ốc vít), khi lũ đến chỉ cần gỡ bu lông phần vách được tháo rời, nước lũ thoát dễ dàng qua ngôi nhà, từ đó ngôi nhà không bị đổ sập do nước lũ.
Ý tưởng sáng tạo ngôi nhà thách đố với thiên taiAnh Nâu trình bày phân tích ý tưởng về ngôi nhà của mình. Ảnh: Trần Trung.
Ngoài ra, đối với phần nóc nhà, anh Nâu khuyến cáo không nên lợp bằng tôn hoặc ngói, thay vào đó là dùng vách Panel bê tông nhẹ, vừa tận dụng được tầng thượng, vừa giảm tiếp diện của ngôi nhà trước gió, bão. Đặc biệt, những khu vực thường xuyên xảy ra động đất, để giảm thiểu thiệt hại, anh Nâu còn tích hợp vào ngôi nhà của mình bằng một hộp thép có tính chất dao động theo độ rung và co giãn. Hộp này được đặt dưới chân các cột nhà, tùy theo nhà to hay nhỏ các hộp sẽ có kích thước phù hợp để có thể nhịp nhún và chịu toàn bộ cân nặng của ngôi nhà.
Ý tưởng sáng tạo ngôi nhà thách đố với thiên taiAnh Nâu trình bày phân tích ý tưởng về ngôi nhà của mình. Ảnh: Trần Trung.
Đối với vật liệu để làm nhà, anh Nâu cho biết thêm, để giảm chi phí, đặc biệt là giảm trọng lượng ngôi nhà, toàn bộ các hạng mục đều được xây dựng bằng gạch bê tông bọt khí. Theo anh Nâu, các thành phần trong quá trình sản xuất gạch bê tông nhẹ bọt khí gồm có xi măng, sợi tổng hợp, tro nhiệt điện, chất tạo bọt và các phụ gia giúp tạo bọt, kết cấu của gạch bê tông bọt khí có hàng triệu bọt khí li ti và chúng tạo nên một hệ thống lỗ có dạng tổ ong kín với kích thước siêu nhỏ. Chính bởi vậy, loại gạch này siêu nhẹ nhưng độ bền rất cao, ngoài ra nó có khả năng nổi trên mặt nước nhưng không bị thấm nước và cách âm tốt, cách nhiệt cao, chống cháy rất hiệu quả.  Đặc biệt, gạch bê tông bọt khí còn có khả năng kháng lại sức tàn phá của động đất, làm giảm tối đa tỉ lệ thương vong cho con người cũng như giảm thiệt hại về tài sản.
Ý tưởng sáng tạo ngôi nhà thách đố với thiên taiHộp thép có tính chất dao động theo độ rung và co giãn được anh Nâu tích hợp vào ngôi nhà để chống động đất. Ảnh: Trần Trung.
Anh Nâu tiết lộ, khi sử dụng gạch bê tông nhẹ bọt khí trong xây dựng sẽ có thể mang lại rất nhiều lợi ích như: giúp làm giảm tải trọng của gạch xây từ 30 đến 40%, kết cấu móng chịu lực được giảm khoảng 12 đến 20%, khối lượng thép cùng kết cấu khung chính giảm 15 đến 20%, thúc đẩy nhanh thời gian thi công công trình lên đến 50% so các loại gạch thông thường.
Theo anh Nâu, do là nhà bán kiên cố, ưu điểm vượt trội ngôi nhà này còn nằm ở chổ dễ dàng di dời mà ngôi nhà không bị biến chất. Theo đó, các vật dụng để xây dựng căn nhà đều có thể tái sử dụng được 90%, qua đó góp phần  tái tạo bộ mặt đô thị và nông thôn thêm hiện đại nhưng tiết kiệm và hiệu quả trong thích nghi với biến đổi khí hậu và thiên tai.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây

Hình ảnh

PHỔ BIẾN

BÌNH LUẬN MỚI NHẤT