Thời tiết khắc nghiệt gây ra 9,4% tổng số trường hợp tử vong trên toàn cầu từ năm 2000 đến 2019, theo nghiên cứu công bố ngày 7-7 trên tạp chí khoa học The Lancet Planetary Health (Pháp). Hầu hết trường hợp tử vong do giá lạnh nhưng xu hướng có thể sẽ đảo ngược khi trái đất ấm lên.

Tiến sĩ Yuming Guo, một trong những tác giả báo cáo và là giáo sư tại Trường ĐH Monash (Úc), cho biết: “Về dài hạn, biến đổi khí hậu có thể làm gia tăng gánh nặng tử vong khi số người chết do nắng nóng tăng lên”. Hàng trăm người chết vì các đợt nắng nóng quét qua Bắc bán cầu vào mùa hè này. 20 năm qua là thời gian nóng nhất kể từ thời kỳ tiền công nghiệp.

Biến đổi khí hậu gây ra 5 triệu ca tử vong/năm

Thời tiết khắc nghiệt gây ra 9,4% tổng số ca tử vong toàn cầu từ năm 2000 đến 2019. Ảnh: REUTERS

Theo Tổ chức Climate Action Tracker, hiện tượng ấm lên toàn cầu tiếp tục tăng tốc, khiến nhiệt độ trái đất đang trên đà chạm mốc cao hơn khoảng 3 độ C so với mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp. Các nhà khoa học dự báo nếu trái đất nóng thêm 2 độ C sẽ là thảm họa đối với sự sống trên hành tinh.

Các nhà nghiên cứu tại Trường ĐH Monash (Úc) và Trường ĐH Sơn Đông (Trung Quốc) ước tính cứ 100.000 người thì có 74 người chết vì nhiệt độ quá lạnh hoặc nóng bất thường.

Nghiên cứu cũng phân tích tỉ lệ tử vong ở 43 quốc gia trên khắp các châu lục cho thấy số ca tử vong do lạnh giảm 0,5% trong giai đoạn 2000-2019, trong khi số ca tử vong do nắng nóng tăng 0,2%. Châu Âu có tỉ lệ tử vong cao nhất trên 100.000 người do nắng nóng. Khu vực châu Phi cận Sahara ghi nhận tỉ lệ tử vong cao nhất trên 100.000 người do giá lạnh.

Nguồn: Huệ Bình – Báo Người lao động